Những tai biến khi truyền dịch có thể gây tử vong
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, khi truyền với bất cứ loại dịch nào đều có thể gây ra những tai biến. Dịch truyền chỉ tốt đối với cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, nhưng khi cơ thể không “cần” thì nó sẽ tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn.
Nguyên nhân do truyền dịch đưa vào cơ thể một số lượng nước lớn, các chất điện giải, các chất dinh dưỡng nên có thể gây rối loạn về chuyển hóa, gây các hiện tượng phù ở tim, thận… Đặc biệt, dịch truyền có thể gây phản ứng toàn thân khi cơ thể không “chịu”, như hiện tượng sốt run hoặc gây sốc dịch truyền rất nguy hiểm.
Có thể kể tới một số biến chứng nguy hiểm bệnh nhân có thể gặp phải khi truyền dịch dưới đây.
Dịch không chảy, phồng nơi tiêm: Nếu dịch không chảy ra, thuốc không vào được cơ thể bệnh nhân có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân, đặc biệt là trong những trường hợp cấp cứu, bệnh nhân nặng.
Phồng nơi tiêm do thuốc thoát ra ngoài vì kim tiêm ra ngoài thành mạch hoặc kim chưa vào sâu trong lòng mạch, do tĩnh mạch bị vỡ phải truyền lại, hoặc truyền chỗ khác. Dung dịch ưu trương thoát ra ngoài thì phải ngừng truyền ngay, báo cho bác sĩ. Nếu chỗ truyền phồng to, bệnh nhân kêu đau buốt.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân bị sốc: Có thể do dịch, do những yếu tố gây sốc của dây truyền, hoặc do tốc độ truyền quá nhanh... Triệu chứng: bệnh nhân đang truyền thấy khó thở, rét run, vã mồ hôi, sắc mặt tái nhợt, mạch nhanh, huyết áp tụt (huyết áp tâm thu ≤ 80mmHg).
Phù phổi cấp: Là tai biến nặng do truyền nhanh khối lượng lớn dịch truyền hoặc truyền với tốc độ nhanh ở bệnh nhân cao huyết áp, suy tim.
Triệu chứng, bệnh nhân đau ngực dữ dội, khạc bọt màu hồng, sắc mặt tím tái, nghe thấy phổi nhiều ran ẩm dâng lên từ hai đáy phổi.
Tắc mạch phổi: Do không khí trong dây truyền lọt vào lòng mạch. Triệu chứng, bệnh nhân đau ngực đột ngột, dữ dội, khó thở, có thể gây tử vong nhanh.
Nhiễm khuẩn: Do vô khuẩn không tốt, có thể gây nhiễm khuẩn huyết, viêm gan virus, nhiễm HDV... Để đề phòng: phải đảm bảo tuyệt đối nguyên tắc vô khuẩn trong suốt quá trình tiêm truyền.
Mới đây, vụ việc người đàn ông chỉ sốt 38 độ C vào Bệnh viện Đa khoa Chương Mỹ (Hà Nội) truyền dịch và đột ngột tử vong khiến dư luận hoang mang. Hiện bệnh viện vẫn chưa thể đưa ra được câu trả lời cho nguyên nhân tử vong của bệnh nhân này. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trước khi truyền dịch cho bệnh nhân bác sĩ cần phải khám tim, phổi, đo mạch… để kiểm tra sức khỏe tổng thể.
Mặt khác, PGS Dũng cũng chia sẻ, khi truyền dịch cần phải khống chế được tổng lượng dịch truyền vào phù hợp với tình trạng bệnh của bệnh nhân. Nếu truyền nhiều hơn tình trạng bệnh sẽ gây phù phổi, suy tim.