Những kết quả lãnh đạo Mỹ - Triều có thể đạt được tại thượng đỉnh ở Hà Nội
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngày 26/2 đều đã có mặt ở Hà Nội sau những hành trình dài. Ông Kim đi tàu hỏa vượt khoảng 4.000 km trong gần 60 giờ để đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn rồi di chuyển bằng ôtô về Hà Nội, trong khi ông Trump bay gần 21 tiếng để tới Nội Bài.
Hai chặng đường khác nhau cùng đưa hai lãnh đạo tới một điểm đến để lần đầu tiên gặp nhau và cùng ăn tối tại Hà Nội vào chiều tối nay, 8 tháng sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore. Trước sự kiện rất được mong chờ lần này, cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố thận trọng, song giới phân tích tin rằng hội nghị vẫn có thể tạo ra những tiến bộ thực chất, theo Independent.
Không ít người nhận xét hội nghị Trump - Kim đầu tiên ở Singapore chỉ đạt được một cam kết mơ hồ hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà không có bất kỳ bước đi cụ thể nào. Nhưng giới quan sát cho rằng thành công lớn nhất mà nó mang lại chính là sự thay đổi trong thái độ Mỹ và Triều Tiên dành cho nhau.
Vài tháng trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên còn tung ra những lời đe dọa khiến đối phương "biến thành tro bụi" hay "chìm trong lửa giận". Nhưng trong gần một năm qua, những tuyên bố hùng hồn như vậy gần như biến mất hoàn toàn. Triều Tiên tuyên bố sẽ ngừng chương trình phát triển vũ khí để tập trung cải cách kinh tế. Tổng thống Mỹ trong khi đó không ít lần ca ngợi về "mối quan hệ tốt đẹp" với lãnh đạo Triều Tiên.
Sự thay đổi thái độ giữa hai bên thể hiện rất rõ trong lịch trình cuộc gặp lần này. Ở Singapore, hai lãnh đạo chỉ gặp nhau trong tổng cộng 5 tiếng và không tổ chức họp báo chung sau hội nghị. Còn tại Hà Nội, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim dự kiến gặp nhau ít nhất 5 lần, thậm chí có thể lần đầu tiên tổ chức họp báo chung.
Việc hai lãnh đạo gặp riêng và cùng ăn tối trước hội nghị là điều đã không diễn ra ở Singapore hồi năm ngoái. Nhiều nhà quan sát cho rằng các cuộc tiếp xúc phi chính thức như vậy sẽ tạo tiền đề thuận lợi để hai lãnh đạo hiểu nhau hơn trước khi bước vào vòng đàm phán chính.
Các cuộc thảo luận trong bữa tối kéo dài một tiếng rưỡi là cơ hội để Tổng thống Trump, Chủ tịch Kim cùng các cố vấn cao cấp của mình thu hẹp những khác biệt, nhằm đạt được kết quả thuận lợi hơn trong thượng đỉnh lần hai.
Tổng thống Trump vẫy chào trên chuyên cơ Không lực Một khi tới sân bay Nội Bài tối 26/2.
Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng khác biệt lớn nhất giữa Mỹ và Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai chính là điều kiện để phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng muốn được nới lỏng các lệnh trừng phạt quốc tế tương xứng với những nhượng bộ mà nước này đưa ra trong chương trình hạt nhân, trong khi Washington lại muốn nhìn thấy những bước đi cụ thể đủ để thuyết phục họ tin rằng Triều Tiên thực sự nghiêm túc về cam kết phi hạt nhân hóa.
"Bất kỳ biện pháp trừng phạt nào được gỡ bỏ cũng là bước tiến trong đàm phán đối với Bình Nhưỡng", Paul Carroll, chuyên gia về Triều Tiên nhận định. "Bất kỳ tuyên bố nào giúp xóa bỏ tình trạng chiến tranh kéo dài hàng thập kỷ qua trên bán đảo Triều Tiên cũng là bước tiến. Và bất kỳ tuyên bố nào từ Tổng thống Trump thừa nhận chính quyền Kim Jong-un không phải mối đe dọa cũng đều là bước tiến", ông nhấn mạnh. "Nói một cách cụ thể, dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay viện trợ lương thực đều là những 'tiến bộ' hữu hình".
Theo Carroll, về phía Mỹ, chính quyền Trump muốn những cam kết cụ thể, có thời gian rõ ràng từ Triều Tiên cho thấy họ thực sự có thiện chí ngừng chương trình hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế vào đất nước để kiểm chứng quá trình phi hạt nhân hóa.
"Ví dụ Triều Tiên từng nói sẽ cho phép thanh sát cơ sở hạt nhân Yongbyon. Nhưng nó cụ thể là gì? Trong bao lâu? Và do ai thực hiện?", ông nói. "Cam kết ngừng thử hạt nhân và tên lửa tầm xa cũng được coi là một tiến bộ bởi về cơ bản, nó sẽ giúp hạn chế những phát triển trong chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên".
Giới phân tích cảnh báo không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trong hội nghị thượng đỉnh lần này và việc định hình lại quan hệ Mỹ - Triều là một quá trình có thể mất tới hàng thập kỷ. Tuy nhiên, vẫn có chỗ cho sự lạc quan về những bước tiến có thể đạt được từ hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai.
Thực tế, Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí có trụ sở ở Mỹ, cho biết ông cảm thấy kỳ vọng vào hội nghị lần hai ở Hà Nội còn hơn cả sự kiện đầu tiên tại Singapore.
Theo Kimball, tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 có thể được đưa ra tại hội nghị lần này. Triều Tiên lâu nay vẫn coi đây là một bước tiến lớn hướng tới mục tiêu bình thường hóa quan hệ hai nước. "Đây sẽ là động thái mang tính biểu tượng", ông nhận xét. "Nó sẽ cho thấy Tổng thống Trump nghiêm túc trong nỗ lực thực hiện những bước đi giúp thay đổi mối quan hệ".
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Kim hồi tháng 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay, Triều Tiên sẵn sàng "tháo dỡ vĩnh viễn" tổ hợp hạt nhân Yongbyon và cho phép thanh sát viên quốc tế vào một số bãi thử tên lửa nếu Mỹ có những nhượng bộ tương ứng.
Đổi lại, Mỹ có thể đồng ý mở các văn phòng liên lạc Mỹ - Triều Tiên và cho phép tái khởi động một số dự án liên Triều, với điều kiện Bình Nhưỡng thực hiện các bước đi hướng tới phi hạt nhân hóa.
Theo Yun Sun, giám đốc chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson có trụ sở ở Washington, nếu Mỹ và Triều Tiên có thể thống nhất một lộ trình xác định cụ thể các bước đi tiếp theo, đây sẽ là kết quả có lợi cho cả đôi bên.
"Nếu Triều Tiên cho phép Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tiến hành thanh sát, đây sẽ là một bước tiến có nhiều ý nghĩa" - ông bình luận.
Tổng thống Trump từng tuyên bố ông không vội vã phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà chỉ muốn Bình Nhưỡng ngừng thử tên lửa. Tuy nhiên, ông cũng từng nói rằng Triều Tiên đang đứng trước cơ hội xoay chuyển tình hình.
"Khi phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế" - Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Twitter. "Thiếu nó, không có gì thay đổi. Chủ tịch Kim sẽ có một quyết định khôn ngoan".