Những dấu ấn của giáo dục Thủ đô
Nhân dịp xuân mới Kỷ Hợi 2019, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, đã có cuộc trò chuyện với độc giả báo Tuổi trẻ Thủ đô.
- Thưa ông, xin ông hãy chia sẻ về những dấu ấn của ngành giáo dục trong năm 2018?
- Trong năm 2018, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 132 giải quốc gia và gần 200 giải quốc tế năm 2017, 2018. Đặc biệt, từ tháng 5/2018 đến nay học sinh Hà Nội đã tham gia nhiều kì thi quốc tế dành cho học sinh phổ thông và đạt thành tích xuất sắc: kì thi Olimpic Vật lí châu Á lần thứ 19 tại Việt Nam 2018; kì thi Olympic Vật lí Quốc tế lần thứ 49 tại Bồ Đào Nha 2018; Kỳ thi Toán học trẻ quốc tế; 36/36 học sinh Hà Nội đại diện Việt Nam tham dự Kì thi vô địch các đội tuyển Toán thế giới 2018 tổ chức tại tại Bulgaria đều đoạt giải…
Bên cạnh đó, một trong những bước đột phá của ngành là tăng cường hội nhập quốc tế trong GD-ĐT; nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động hợp tác quốc tế tại các cơ sở giáo dục; tiếp tục Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng tú tài THPT quốc gia Việt Nam và tú tài Anh quốc-Chứng chỉ A Level của Cambridge tại trường THPT Chu Văn An, mở rộng chương trình ra 7 trường THCS và 1 trường THPT năm học 2018-2019.
Ngoài ra, lần đầu tiên ngành GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức kì thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 15 năm 2018 (HOMC) với sự tham dự của 9 nước đến từ châu Á, châu Âu.
- Những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành sẽ hướng tới trong năm 2019 là gì, thưa ông?
- Năm học 2019 – 2020, toàn ngành sẽ hoàn thành việc rà soát bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây mới, cải tạo nâng cấp trường, lớp; xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí; chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới; tăng cường giáo dục cho học sinh về kĩ năng sống, kĩ năng thực hành, tuân thủ pháp luật, biết yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những người xung quanh; quan tâm tới giáo dục thể chất để tạo ra một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, phát triển toàn diện văn - thể - mỹ; chú trọng việc bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, song song với việc nâng cao chất lượng đại trà; tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tổ chức tốt kì thi Toán học Hà Nội mở rộng lần thứ 16 (HOMC 2019) và kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO 2019) lần thứ 16 tại Việt Nam; đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục.
- Ông có thể cho biết những vấn đề mà ngành giáo dục Thủ đô phải đối mặt trong năm 2019 là gì?
- Chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới vào năm 2020-2021, ngoài tham mưu, đề xuất với thành phố các giải pháp thì ngành cũng phải nỗ lực giải quyết những vấn đề khó khăn như: thiếu trường, lớp cục bộ ở một số địa phương; số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo…
Để giải quyết khó khăn trên, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều công trình trung hạn giai đoạn 2018-2020, xây dựng mới 222 dự án trường học với kinh phí 5.519,2 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, trước yêu cầu đổi mới giáo dục và chương trình, sách giáo khoa, Hà Nội đã có nhiều điều chỉnh trong cách thức và nội dung bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 cán bộ, giáo viên được tham gia các khóa bồi dưỡng do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, với tổng kinh phí khoảng 54 tỉ đồng. Năm học 2018-2019, Hà Nội tăng cường tập huấn qua mạng internet để bảo đảm 100% số giáo viên được bồi dưỡng kĩ năng trước khi đảm nhận chương trình mới; trong đó, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức nhà giáo và kĩ năng ứng xử.
- Xin cảm ơn ông!