Nhiều quy định làm “thui chột” động lực làm việc của giảng viên

Chất lượng đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giảng viên và hoạt động của trường đại học cũng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, chuyên môn cũng như sự hăng say của các giảng viên. Tuy nhiên, nhiều quy định hiện nay đã làm thui chột động lực làm việc của giảng viên.
Trường cao đẳng “đói” sinh viên, nhiều giảng viên phải đi “biệt phái” Hai giảng viên nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật, Hiệp sĩ Cành cọ Hàn lâm của Pháp TT.Huế: Bất ngờ bị chấm dứt hợp đồng lao động, nhiều giảng viên “kêu cứu”

Vấn đề trên đã được đưa ra bàn luận tại hội thảo khoa học quốc gia về: “Tạo động lực cho cán bộ, viên chức và người lao động trong các trường đại học: Xu hướng và giải pháp” do trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức ngày 3/12.

Mục tiêu của hội thảo là xác định động lực làm việc hiện nay của viên chức và người lao động tại trường đại học, từ đó đưa ra các giải pháp tạo động lực làm việc cho viên chức và người lao động.

Giảng viên trẻ và cấp quản lý có động lực làm việc thấp nhất

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, nhà trường hiện có 16 giáo sư, 134 phó giáo sư, 201 tiến sĩ và 552 thạc sỹ, 200 cử nhân và 83 trình độ khác.

Nhà trường đặt mục tiêu, phấn đấu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, đại học đa ngành đẳng cấp khu vực và quốc tế về lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh và một số lĩnh vực mũi nhọn khác.

PGS Cường cho rằng, chất lượng đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ giảng viên và hoạt động của trường đại học cũng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, chuyên môn cũng như sự hăng say của các giảng viên nhất là giảng viên có trình độ.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Theo PGS Cường, trong tình hình hiện nay, nhiều trường đại học nói chung và trường ĐH Kinh tế quốc dân nói riêng đang gặp phải sự cạnh tranh rất mạnh từ các trường quốc tế và các trường đại học trong nước. Chính vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chú trọng tới việc tạo động lực làm việc cho viên chức, lao động cả về vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, dù nỗ lực lớn nhưng trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn bộc lộ những hạn chế như:

Chính sách đãi ngộ chưa phù hợp để giảng viên tâm huyết với nghề và yên tâm công tác lâu dài; Thời gian làm việc và định mức giờ giảng, nghiên cứu khoa học chưa phù hợp dẫn đến ảnh hưởng đến động lực của giảng viên;

Tiêu chí thi đua khen thưởng còn chưa rõ ràng gây hiện tượng cào bằng giữa các giảng viên; Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức; Chế độ khuyến khích giảng viên đi học nâng cao chưa được quan tâm…

Tại hội thảo, một nhóm nghiên cứu của trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, qua khảo sát thấy giảng viên đang trong độ tuổi có sức làm việc tốt nhất (30 – 40 tuổi), kinh nghiệm nghề nghiệp đã tích lũy được ở mức tương đối và sẽ là đội ngũ kế cận cho sự phát triển tương lai của nhà trường thì lại có động lực làm việc thấp nhất.

Đặc biệt, xét theo vị trí công tác, nhóm giảng viên có chức vụ như giữ vị trí Phó trưởng khoa/bộ môn lại là nhóm có động lực làm việc thấp nhất so với các nhóm khác.

“Sự công bằng trong ghi nhận cũng là một yếu tố tương quan với động lực làm việc của đội ngũ giảng viên. Bởi thực tế hiện nay, thi đua khen thưởng còn nặng về hình thức, việc khống chế số lượng khen thưởng hàng năm dẫn tới giảm vai trò tạo động lực làm việc của giảng viên” – nhóm nghiên cứu chỉ ra.

Một giảng viên có học vị tiến sĩ giảng dạy cho 1 lớp học trên dưới 100 sinh viên với thù lao vượt giờ chia đều cho mỗi sinh viên sẽ rơi vào khoảng trên dưới 1000 đồng/sinh viên (ảnh minh họa).

Cần môi trường làm việc công bằng

Theo TS Đỗ Hoàng Ánh, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, môi trường làm việc công bằng là môi trường làm việc đem đến sự xứng đáng cho các thành tố của nó, bao gồm sự đúng đắn trong giải quyết những nhu cầu về thu nhập như: tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, phúc lợi , các khoản thu nhập khác…về đảm bảo mức sống thích đáng, về điều kiện cơ sở vật chất, sự an toàn - ổn định, về cơ hội cống hiến và thăng tiến, về sự tôn trọng, về cơ chế bảo đảm khi gặp rủi rõ…

TS Đỗ Hoàng Ánh cho rằng, môi trường làm việc đại học ở Việt Nam hiện nay có 3 thách thức đối với sự công bằng và thách thức này có ảnh hưởng rõ rệt tới động lực làm việc, tới chất lượng giáo dục – đào tạo cũng như khả năng phát triển của cá nhân, tổ chức, cụ thể:

Thứ nhất, sự mất cân bằng trong chế độ tiền lương, trong thu nhập chính đáng, giữa làm việc và thù lao, giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa nhu cầu và thực tế đáp ứng nhu cầu. Ví dụ: Một giảng viên có học vị tiến sĩ giảng dạy cho 1 lớp học trên dưới 100 sinh viên với thù lao vượt giờ chia đều cho mỗi sinh viên sẽ rơi vào khoảng trên dưới 1000 đồng/sinh viên (65.000 – 120.000 đồng/tiết) và mức lương sau hơn 10 năm lên lương đều đặn sẽ khoảng hơn 4,5triệu đồng/tháng.

Thứ hai, sự mất cân bằng trong công tác thi đua và khen thưởng; chưa xác định đúng mối quan hệ giữa chất lượng chuyên môn, hiệu quả công việc với chức danh nghề nghiệp và danh hiệu thi đua, danh hiệu nghề nghiệp.

Thứ ba, sự mất cân bằng ở tầm vĩ mô giữa nhu cầu quản trị đại học hiện đại với cơ chế tự chủ đại học hiện hành và cách thức lựa chọn các vị trí đứng đầu thiếu quyết tâm và còn nhiều lúng túng trong việc giải quyết bài toán tự chủ đại học, thiếu chuyên nghiệp trong quy hoạch nhà chuyên môn và nhà quản lý.

Theo TS Đỗ Hoàng Ánh, để tạo động lực làm việc cho các giảng viên thì cần đẩy nhanh quá trình thực hiện tự chủ đại học và thực hiện quá trình này một cách triệt để kết hợp với sự đảm bảo Nhà nước trong việc thực hiện những mục đích nhân văn, phi lợi nhuận của CSGDĐH; chuyên nghiệp hóa trong việc quy hoạch lựa chọn và đào tạo người đứng đầu.

Tối ưu dự hài lòng trên cơ sở công bằng là một trong những cách thức bền vững để tăng cường động lực làm việc cho cán bộ, viên chức và người lao động đối với các trường đại học hiện nay.

Nhanh chóng ổn định tự chủ đại học ở tầm vĩ mô, cải cách thành công chế độ tiền lương, chú trọng đánh giá vị trí việc làm trên cơ sở yếu tố đầu ra và hiệu quả công việc, làm cho công tác thi đua – khen thưởng – xét tặng danh hiệu nghề nghiệp đi vào thực chất là những hướng đi hàng đầu thúc đẩy động lực làm việc của từng cá nhân cũng như của cả tổ chức thuộc các cơ sở giáo dục đại học” – TS Đỗ Hoàng Ánh nhấn mạnh.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động