Nhiều làng nghề nổi tiếng xứ Huế tất bật những ngày giáp Tết

Cứ vào những dịp giáp Tết, các làng nghề truyền thống ở Cố đô Huế đã và đang làm việc một cách bận rộn có thể để mang đến cho người dân những sản phẩm ngon nhất, độc nhất, ý nghĩa nhất...
nhieu lang nghe noi tieng xu hue tat bat nhung ngay giap tet

Làng Đan lát Bao La

Những ngày cận kề cái Tết, hàng chục người thợ đan lát ở hợp tác xã (HTX) Bao La (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn chăm chỉ làm việc bởi dịp cuối năm đơn đặt hàng rất nhiều.

Khi được hỏi về tần suất công việc trong những ngày giáp Tết, một người làm nghề cho hay Tết đến cũng giống như ngày bình thường bởi lẽ đây là những công việc thường nhật, duy trì quanh năm...

Thợ đan lát ở HTX Bao La tất bật làm việc

Thợ đan lát ở HTX Bao La tất bật làm việc

Làng nghề Bao La trước đây từng mai một với những sản phẩm đơn giản như thúng, mủng, nia, nong... Tuy nhiên hiện nay, với sự thành lập của HTX, làng nghề này đã cho ra hàng trăm mẫu mã mới đạt độ tinh xảo và đẹp mắt, tính ứng dụng cao như đèn lồng, rổ rá thúng mủng, khay hộp, các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm trong gia đình, túi xách... phục vụ cho nhu cầu của người dân, quán cà phê, nhà hành, khách sạn, resort trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm của HTX luôn được khách hàng khen ngợi và hài lòng, đặc biệt còn nhận nhiều giải thưởng và giấy khen của Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương...

Làng hương Thủy Xuân

Ngôi làng hương xinh đẹp nằm ẩn mình dưới chân đồi Vọng Cảnh và thâm trầm cùng dòng sông Hương thơ mộng đã và đang trở thành một địa điểm du lịch đặc sắc khi du khách ghé thăm Cố đô Huế.

Những ngày này, nếu ai có mặt tại làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế) sẽ thấy không khí tất bật, khẩn trương làm hương để cung ứng cho dịp Tết nguyên Đán sắp đến. Được biết, nơi đây từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm hương trầm với mùi hương khi đốt lên nhẹ dịu, sâu lắng.

Sắc màu của những bó hương đã nhuộm sáng rực màu. Từng bó chông hương xòe thành từng chùm với đủ loại màu sắc, dựa vào nhau rồi tỏa ra như những đóa hoa “khổng lồ” tuyệt đẹp và cuốn hút nhiều du khách đến khám phá.

Những bó hương rực rỡ sắc màu được bày bán bên đường

Những bó hương rực rỡ sắc màu được bày bán bên đường

Trước kia, làng hương Thủy Xuân hầu hết làm thủ công, nhưng hiện nay có máy móc hỗ trợ nên hiệu quả cao hơn khá nhiều. Tuy nhiên, năm nay thời tiết ở Huế mưa nhiều nên không chỉ khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng đến việc bảo quản các sản phẩm hương trầm.

Ngày trước hương được bán cho các đại lý xung quanh TP Huế và các vùng lân cận. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hương sau khi thành phẩm được đem đi tiêu thụ trên toàn quốc, thậm chí còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Bánh in Kim Long

Bánh in tiến vua hay còn gọi là bánh ngũ sắc (gói trong giấy với 5 màu là đỏ, hồng, vàng, cam, xanh), là loại bánh được dùng để dâng lên vua chúa xưa ăn kèm khi thưởng trà. Ngày nay bánh in thường được trưng bày, thờ cúng trong các dịp lễ Tết.

Nguyên liệu chính để làm ra bánh in là chủ yếu bột đậu xanh và đường trộn với nhau theo tỉ lệ 50-50. Các bước tạo ra bánh gồm: đãi đậu - nấu đậu - đánh đậu - giã đậu - in bánh - sấy bánh - gói bánh bằng giấy bóng ngũ sắc, trong đó in bánh là giai đoạn quan trọng nhất.

Hằng năm, người dân tại làng Kim Long (phường Kim Long, TP Huế) chỉ dồn hết nhân lực để sản xuất bánh trong 2-3 tháng cuối năm, những tháng này mỗi ngày trung bình các cơ sở làm ra khoảng 10.000 bánh với giá bán 100 đồng/bánh.

Trẻ em tranh thủ những giờ rảnh làm bánh in kiếm thêm thu nhập

Trẻ em tranh thủ những giờ rảnh làm bánh in kiếm thêm thu nhập

Bánh làm ra sau đó được phân phối chủ yếu cho nhà chùa để phục vụ việc thờ cúng và đưa ra thị trường qua các cửa hàng. Không chỉ được phân phối ở thị trường tỉnh Thừa Thiên Huế, loại bánh in ngũ sắc này còn được phân phối rộng rãi trên cả nước đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,…

Hai ba năm trước, số hộ gia đình theo nghề gia truyền này để mưu sinh khoảng hơn 30 hộ. Nhưng đến nay đã gần đến Tết Nguyên Đán nhưng chỉ có khoảng hơn 15 hộ làm hàng, bởi yếu tố quan trọng nhất là thu nhập quá thấp.

Mặc dù số lượng các cơ sở có giảm so với trước kia nhưng những cơ sở còn lại hiện nay vẫn giữ được phần nào màu sắc văn hóa thể hiện trên từng chiếc bánh in mỗi khi ra lò.

Bánh Tét Làng Chuồn

Từ bao đời nay, bánh Tét làng Chuồn (thôn An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở nhiều tỉnh thành khác khắp đất nước. Bánh ở đây đã trở thành “thương hiệu” là bởi sự đặc biệt về nguyên liệu và sự khéo léo của người làm bánh.

Đến làng Chuồn những ngày cuối năm, chắc chắn chúng ta sẽ thấy cảnh mọi người ở đây đang tất bật cho ra lò những mẻ bánh Tét, bánh Chưng dẻo, thơm, ngon trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Làm bánh Tét dịp Tết cổ truyền

Làm bánh Tét dịp Tết cổ truyền

Bắt đầu từ 15 tháng chạp là các cơ sở sản xuất bánh ở đây đã làm cho đến tận ngày 29 mới kết thúc. Ngày trước, bánh nấu xong được gánh đi bán trên phố, dưới quê. Ngày nay, phần lớn bánh được sản xuất tại chỗ, người buôn gần xa đến mua và đặt hàng tại nhà.

Ở làng Chuồn, hiện có gần 50 hộ gia đình làm nghề này. Dịp Tết, ở đây sản xuất cho thị trường vài trăm nghìn cái bánh chưng, bánh tét với nhiều kích cỡ khác nhau; giá bán bánh từ 30.000 đồng- 50.000 đồng/ 1 đòn.

Người dân làm Bánh tét Làng Chuồn đã và đang như mang trong mình câu chuyện “bánh chưng, bánh dày” để gợi nhớ đến công ơn đất trời, để làm cho cái Tết dân tộc thêm ý nghĩa...

TÙNG ANH
Phiên bản di động