Nhận biết thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện ở nhiều nơi tại Việt Nam như Hải Phòng, Thanh Hóa. Điều này làm người dân vô cùng hoang mang, lo lắng.
Để tránh mua phải thịt lợn nhiễm bệnh, người dân có thể lưu ý một số điểm: Lợn mắc dịch tả có nốt xuất huyết nằm dưới da hoặc trên vành tai, lấm tấm như nốt muỗi đốt. Nội tạng của lợn nhiễm dịch tả sẽ mang những nốt tụ huyết lốm đốm, bầm tím khá rõ rệt. Trước khi chết do bệnh, lợn thường ủ rũ nên thớ thịt nhão, phần nạc mỡ lỏng lẻo, ít kết dính.
Nội tạng của lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi sẽ có những vết tụ huyết lốm đốm
Theo PGS Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.
"Khi lợn mắc bệnh tai xanh, liên cầu khuẩn tồn tại trong miệng và mũi con vật sẽ bùng lên. Người bị trầy xước hoặc có vết thương, tiếp xúc với lợn bệnh sẽ bị vi khuẩn xâm nhập. Người bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, xuất huyết ở một số nơi trên cơ thể. Một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc tiêu hóa, nặng hơn là viêm màng não", vị chuyên gia nhận định.
Về phía cơ quan quản lý, để tránh nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi lây lan diện rộng, Cục Thú Y yêu cầu người dân không bán chạy lợn bệnh, nghi bệnh. Người kinh doanh không giết mổ vận chuyển lợn bệnh, nghi bệnh. Khi xuất hiện bệnh, cần báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y cơ sở để kịp thời tổ chức xử lý ổ dịch.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông khuyến cáo người chăn nuôi nên chủ động ngăn chặn dịch bằng phương pháp sinh học như vôi bột các lối ra vào, chuồng nuôi, kiểm soát chặt chẽ người ra vào cơ sở và mua lợn giống ở các cơ sở uy tín, có kiểm dịch.