Nguy cơ tiềm ẩn khi học sinh sử dụng xe máy điện

Theo thống kê, hơn 50% học sinh THPT tham gia giao thông bằng xe đạp điện hoặc xe máy điện. Trong khi đó, có đến 90% số vụ TNGT liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 - dưới 18.
Bắc Giang: Làm rõ đối tượng trộm xe máy ngay trong ngày

Thực trạng đáng báo động

Không riêng các thành phố lớn, mà tại đa phần các tỉnh, cảnh tan trường đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi các phương tiện xe đạp điện, xe máy điện được sử dụng bừa bãi bởi các em học sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, đến mức cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, có đến 90% số vụ TNGT liên quan đến học sinh ở độ tuổi từ 16 - dưới 18. Ngoài ra, hiện nay có trên 50% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện. Do đây là phương tiện không yêu cầu bằng lái nên điều này cũng đồng nghĩa có nhiều em chưa được trang bị đầy đủ kỷ năng lái xe cũng như kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Tiềm ẩn nguy cơ khi học sinh sử dụng xe máy điện
Học sinh điều khiển máy điện, không đội mũ bảo hiểm tại Quốc Oai, Hà Nội

Tại huyện Thanh Miện, Hải Dương, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã ghi nhận lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt nhiều trường hợp học sinh tham gia giao thông bằng xe đạp điện, xe máy điện. Không ít trường hợp vi phạm bị dừng xe đã mắc cùng một lúc tới 3 lỗi: Không mang giấy tờ xe, không đội mũ bảo hiểm và xe máy điện không có gương chiếu hậu.

Đại diện đội CSGT huyện Thanh Miện cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 12/2022, đơn vị đã xử lý 52 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 6.5 triệu đồng, cảnh cáo 30 trường hợp do chưa đủ độ tuổi xử lý vi phạm hành chính.

"Rất đáng lo ngại khi không ít phụ huynh cho rằng đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn hơn so với xe gắn máy. Tuy nhiên, trên thực tế, với vận tốc tối đa có thế lên tới 40 - 50km/h, mức đô nguy hiểm của xe máy và xe đạp điện là như nhau. Xe đạp điện và xe máy điện gần như không phát ra tiếng động nên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn khi lưu thông với tốc độ cao", vị này cho hay.

Tại Hà Nội, tình trạng tương tự cũng diễn ra hàng ngày. Phóng viên ghi nhận tại huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Sơn Tây... đều có hiện tượng học sinh THCS và THPT sử dụng xe máy điện, xe đạp điện lưu thông với tốc độ cao dù không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định.

Nâng cao công tác tuyên truyền

Hiện nay, một số người dân và học sinh chưa hiểu rõ quy định của pháp luật về xe đạp điện và xe máy điện.

Theo quy chuẩn 41/2016/BGTVT: “Xe gắn máy là chỉ phương tiện sử dụng động cơ, có loại hai bánh hoặc loại ba bánh và vận tốc được thiết kế tối đa không vượt quá 50 km/h. Nếu dẫn động của xe gắn máy là động cơ nhiệt thì dung tích sử dụng hoặc dung tích tương đương sẽ không được cao hơn 50cm3″.

Trong điểm d, khoản 1, điều 2 của nghị định 46/2016/NĐ - CP có giải thích chi tiết về xe máy điện như sau: “d) Xe máy điện là xe gắn máy chạy bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không vượt quá 4kW, có vận tốc thiết kế tối đa không lớn hơn 50km/h”.

Như vậy, xe máy điện được định nghĩa là xe gắn máy, theo quy định của luật giao thông đường bộ 2008, người từ đủ 16 tuổi trở lên mới được phép điều khiển loại phương tiện này. Do đó, học sinh THCS với độ tuổi từ 11 – 15, và học sinh cấp 3 chưa đủ 16 tuổi thì không được phép sử dụng xe máy điện.

Tiềm ẩn nguy cơ khi học sinh sử dụng xe máy điện
Quay đầu khi gặp lực lượng chức năng

Bên cạnh đó, xe đạp điện được phân vào nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ, do vậy không có quy định về độ tuổi được phép sử dụng, như vậy học sinh THCS có thể sử dụng xe đạp điện.

Mặc dù quy định vận tốc tối đa của xe đạp điện là 25km/h tuy nhiên hiện nay để thu hút người dùng, nhiều hãng xe đạp điện vẫn lách luật và quảng cáo xe có thể tăng tốc tối đa lên tới 40-45 km/h. Đây là tốc độ rất nguy hiểm đối với các bạn học sinh, không khác gì so với xe máy.

Một vấn đề nữa cũng rất đáng lo ngại đó chính là tính cách của người điều khiển phương tiện. Các chuyên gia giao thông nhận định, do đang trong độ tuổi trưởng thành, muốn thể hiện bản thân nên không ít học sinh khi đi xe đạp điện xe máy điện thường có hành vi lạng lách, đánh võng trên đường. Đây chính là biểu hiện rõ nhất về ý thức tham gia giao thông của lứa tuổi này còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, trong đó có các trường hợp các em đến trường bằng xe đạp điện và xe máy điện, các chuyên gia giao thông nhận định, công tác tuyên truyền giáo dục vẫn là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.

Lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Công an thành phố Hà Nội cho hay: "Nhà trường phải thành lập các đội sao đỏ, thường xuyên kiểm tra vào đầu giờ học và giờ tan lớp để kịp thời phát hiện các trường hợp điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, hay thiếu gương chiếu hậu để tạm dừng không cho các phương tiện này lưu thông, sau khi bổ sung đầy đủ thì mới được tiếp tục lưu thông. Giữa nhà trường và gia đình cũng phải có thông báo để phối hợp quản lý giáo dục các em".

Theo Đại úy Nguyễn Hồng Nhung - Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 3, Công an thành phố Hà Nội: "Không chỉ lực lượng CSGT mà cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội đều phải chúng tay để có thể tuyên truyền hướng dẫn cho các em để các em hiểu rõ hơn về Luật ATGT và làm sao để các em có thể thực hiện được một cách đúng và đẩy đủ khi đi trên đường để việc tuyên truyền Luật ATGT không chỉ là khẩu hiệu mà đi vào thực tế".

Vũ Cường
Phiên bản di động