Ngăn chặn tình trạng lao động đi làm việc trái phép ở nước ngoài
Siết chặt quản lý xuất khẩu lao động bất hợp pháp ở Hà Tĩnh Bi kịch "lao động chui" sang Trung Quốc Công an Thanh Hóa ngăn chặn 38 vụ xuất cảnh đi lao động trái phép |
Với việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, thực hiện các giải pháp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm..., tại Tuyên Quang, tình trạng lao động đi làm việc trái phép tại nước ngoài đã giảm rõ rệt, qua đó góp phần đảm bảo an ninh, trật tự giúp người dân ổn định cuộc sống.
Lao động "chui" và những hệ lụy
Chị Quan Thị Hậu, dân tộc Tày, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, đã từng nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc để lao động nhưng sau vài tháng, chị đã phải trốn về nước.
Chị Hậu chia sẻ, khoảng tháng 4/2018, chị cùng với một số người trong thôn nghe theo lời của một người quen ở Hà Giang rủ sang Trung Quốc làm công nhân với mức lương 10 triệu đồng/tháng, ngày làm 8 tiếng, được nuôi ăn, ở và không mất chi phí đi lại. Sau khi làm việc 15 ngày, chị sẽ được trả lương trước của cả tháng.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị đã đồng ý đi với mong muốn tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, khi sang đến nơi, chị được đưa đến một xưởng sản xuất thuốc lá. Tại đây, chị Hậu và mọi người phải làm việc từ 14-16 tiếng/ngày. Mọi ăn uống, sinh hoạt của chị đều ở gần khu nhà xưởng. Vì không có giấy tờ, chị không được phép đi ra ngoài. Chị cũng không được trả lương như đã hứa.
Nhận thấy khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên sau hơn một tháng làm việc, chị Hậu lấy cớ con ốm, nhịn ăn hai ngày để được chủ lao động cho về nhà thăm con. Để đảm bảo chị Hậu sẽ quay trở lại làm việc, nhà chủ không trả lương, không cho chị mang quần áo về, chỉ đưa cho chị đủ tiền đi xe.
Chị Hậu chia sẻ thêm, đã trải qua vất vả của lao động trái phép tại nước ngoài, mình khuyên mọi người không nên nghe lời kẻ xấu dụ dỗ. Nếu muốn đi xuất khẩu lao động hãy đi theo các công ty được chính quyền địa phương giới thiệu hoặc làm việc tại các khu công nghiệp trong nước thôi.
Cảnh báo những rủi ro khi xuất cảnh trái phép ra nước ngoài
Cũng như chị Hậu, chị Lý Thị Lịu (thôn Khau Cau, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình) vẫn ám ảnh về những ngày lao động trái phép ở Trung Quốc dù chị đã được trở về nhà hơn một năm nay.
Chị Lịu nhớ lại, làm việc trái phép tại Trung Quốc chị bị trả tiền công thấp, mỗi ngày phải làm việc trung bình từ 12-18 tiếng. Điều kiện sinh hoạt, đi lại khó khăn, thiếu thốn, thậm chí còn bị chủ sử dụng lao động nợ lương, không trả lương... Quá vất vả, chị đã phải bỏ trốn về nước.
Theo thống kê của Công an tỉnh Tuyên Quang, tình trạng xuất cảnh trái phép để đi lao động trên địa bàn tỉnh bắt đầu nổi cộm từ năm 2015, với số lượng người xuất cảnh hoặc nghi xuất cảnh trái phép mỗi năm khoảng 2.000 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa, thiếu hiểu biết về pháp luật và có điều kiện kinh tế khó khăn.
Các đối tượng cò mồi thường là những người thường xuyên qua biên giới, hoặc là chính những người đang làm việc trái phép tại nước ngoài, móc nối với người chủ bên đó để đưa người sang lao động trái phép và hưởng hoa hồng từ chính những người mình đưa sang.
Chị Quan Thị Hậu, dân tộc Tày, thôn Nặm Chá, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang (thứ 2 từ trái sang) vẫn ám ảnh về những ngày lao động trái phép tại Trung Quốc. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)
Các giải pháp thiết thực
Trước thực trạng trên, nhằm ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép để đi lao động, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường quản lý công tác xuất nhập cảnh; xử lý nghiêm các đối tượng môi giới lao động trái phép... Đặc biệt, tỉnh đã tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động đi làm việc hợp pháp ở trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang) cho biết Sở đã tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lao động việc làm, những tác hại của việc lao động trái phép; tư vấn lao động và học nghề cho người dân; tổ chức các phiên giao dịch để tư vấn việc làm.
Sở phối hợp với Công an tỉnh Tuyên Quang thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Sở phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước tuyển chọn thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản theo chỉ đạo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; tổ chức khảo sát và khai thác thị trường lao động tại các tỉnh, thành phố lớn như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh... làm cơ sở giới thiệu việc làm cho người lao động.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã tạo việc làm cho trên 92.000 lao động, trong đó có trên 1.500 lao động làm việc tại các thị trường có mức lương cao như Hàn Quốc, Nhật Bản... Có việc làm ổn định, tăng thu nhập, đời sống của người lao động từng bước được nâng lên. Tình trạng xuất cảnh đi lao động trái phép tại nước ngoài đã được hạn chế. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tuyên Quang có trên 1.700 người xuất cảnh hoặc nghi xuất cảnh trái pháp luật, giảm hơn 15% so với năm 2018.
Ông Dũng cũng cho biết thêm, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội... cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện.
Sở tổ chức điều tra, thu thập thông tin biến động về cung, cầu lao động hằng năm trên phạm vi toàn tỉnh; quy hoạch, đầu tư và phát triển hệ thống tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề; phát triển thị trường lao động, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động theo hướng giảm lao động khu vực nông, lâm nghiệp, tăng lao động ở các ngành công nghiệp, dịch vụ.
Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của lao động trái phép; quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ người dân đi lao động trái phép tại nước ngoài...