Nếu được thông qua TP Thừa Thiên Huế sẽ trực thuộc Trung ương vào năm 2021.
Nếu được thông qua, thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương sẽ được thành lập vào năm 2021. |
Theo đó, Nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thống nhất đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế” và xem xét khả năng cho phép thành lập thành phố Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương vào năm 2021.
Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thống nhất đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa giới hành chính TP Huế; phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế theo thẩm quyền.
Ngoài ra, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cũng đã thông qua Đề án “Điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế” và thông qua “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đề án này, địa giới hành chính của TP. Huế sẽ được mở rộng và các đơn vị hành chính sẽ được sắp xếp lại. Sẽ có 13 xã, phường của các huyện, thị xã lân cận được sáp nhập vào TP. Huế gồm: Thủy Bằng, Thủy Vân (thị xã Hương Thủy), Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương (thị xã Hương Trà), Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).
Sau khi sáp nhập vào thành phố, sẽ có 4 xã chuyển lên thành phường gồm Hương Vinh, Phú Thượng, Thủy Vân và thị trấn Thuận An.
TP Huế có 9 phường sẽ sáp nhập lại thành 5 phường gồm: phường Phú Cát và Phú Hiệp sẽ thành phường Gia Hội; phường Phú Bình và Thuận Lộc thành phường Thuận Lộc; phường Phú Hòa và Thuận Thành thành phường Thuận Thành. Một số diện tích tự nhiên và dân số của phường Phú Thuận nhập vào phường Tây Lộc, một phần phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.
Sau khi hoàn thành sáp nhập, TP Huế sẽ có diện tích tự nhiên hơn 266km2, dân số hơn 652.000 người, gồm 29 phường và 7 xã.
Được biết vào tháng 12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đưa ra các quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế. Đó là xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế.
Nghị quyết cũng nêu những mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao…
Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu, đặc sắc của Châu Á.