Nâng tại chức lên hay kéo chính quy xuống?
Văn bằng đại học các nước được ghi như thế nào? Sẽ bỏ phân loại khá hay giỏi, chính quy hay tại chức trên bằng tốt nghiệp đại học Khởi tố 3 bị can trong đường dây làm giả bằng tốt nghiệp đại học |
Dự thảo thông tư ghi nội dung trên văn bằng tốt nghiệp đại học có thay đổi đáng chú ý là: Trên văn bằng sẽ không ghi phương thức đào tạo nữa, mà sẽ ghi ở phụ lục. Mặc dù ý tưởng này đã được nêu ra trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và đại diện Bộ GD-ĐT đã giải thích '"phù hợp với thông lệ quốc tế", nhưng đây là điều mà dư luận vẫn thấy chưa "xuôi" bởi thực tế ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách giữa chính quy và các loại hình đào tạo khác.
Đã thống nhất chung chương trình, chuẩn đầu ra nhưng vẫn băn khoăn
Thực tế là từ trước khi có dự thảo này, từ năm 2008, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) đã thống nhất sử dụng cùng mã môn học, cùng chuẩn đầu ra cho các chương trình vừa làm vừa học và chương trình chính quy. Cả 2 hệ cùng 1 đề cương môn học, giảng viên phải tuân thủ đúng đề cương.
"Cũng có thể một số thầy cô cho rằng sinh viên hệ vừa làm vừa học yếu nên dạy chương trình riêng, nhưng như vậy là vi phạm quy định của trường.Chúng tôi yêu cầu giảng viên dạy đúng đề cương, nội dung môn học, cùng ra đề thi, thực hiện đánh giá ngay tại trụ sở chính. Kể cả lúc ra đề thi cũng phải ghi rõ rằng câu hỏi này thì đánh giá chuẩn đầu ra nào. Do vậy, thầy giáo không bỏ được bất kỳ nội dung nào trong môn học"- ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo của trường cho biết.
Cũng theo ông Thắng, chương trình đào tạo được xây dựng trên chương trình đào tạo chính quy.
Còn sinh viên hệ vừa làm vừa học sẽ học cuối tuần, ngoài giờ; thậm chí cũng có thể lên lớp cùng sinh viên chính quy.
"Nếu có sự khác biệt thì ở hình thức đào tạo từ xa đó. Thầy giáo có thể thực hiện livestream hoặc quay lại video rồi gửi cho người học dùng để phát nhiều lần. Nhưng trường quy đinh thi cử cũng tập trung từ cách ra đề và chấm bài y như hệ khác"- ông Thắng nói.
Ông Thắng khẳng định, nếu các trường cùng làm như vậy và thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng thì việc không cần ghi hình thức đào tạo gì trên bằng là hợp lý.
Trường ĐH Nha Trang cũng đã tiến tới lộ trình hợp nhất như vậy. Hệ vừa làm vừa học đã được chuyển từ niên chế sang tín chỉ. Sinh viên hệ này có thể cùng lớp với chính quy từ thứ 2 tới thứ 6. Môn học nào giống thì đăng ký cùng lúc. Đối với lớp liên thông văn bằng 2, ngoài thời gian cuối tuần thì có thể theo học các ngày bình thường.
"Chúng tôi muốn rằng nếu được tăng khả năng lên lớp bằng nhiều hình thức thì chất lượng giữa các hệ sẽ đỡ có khoảng cách. Thực sự, hệ liên thông văn bằng 2 và hệ vừa làm vừa học vẫn có khoảng cách trình độ nhất định"- ông Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường thừa nhận.
Theo ông, chủ trương dù đào tạo bằng hình thức nào, nhưng cùng một ngành nghề, chương trìnhthì chuẩn đầu ra như nhau là đúng, nhưng nếu không phân loại bằng cũng "đáng lăn tăn".
Không thể bằng nhau khi tại chức học nhanh kết thúc gọn
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khẳng định "nói chuẩn đầu ra giống nhau" là cách nói xoa dịu hơn là thực tế.
Theo ông, nếu đã không coi trọng bằng cấp thì phải xây văn hóa chất lượng mà việc triển khai ở Việt Nam hiện nay là rất khó.
(Ảnh: Lê Huyền) |
Ông Dũng khẳng định, do khác biệt đầu vào và quá trình đào tạo nên đầu ra của các hình thức đào tạo là chưa thể như nhau.
"Phương thức đào tạo vừa làm vừa học hiện nay chủ yếu là cuốn chiếu. Thầy giáo sẽ dạy rất nhanh kết thúc môn trong 1 hoặc vài tuần. Chưa kể là hệ vừa làm vừa học, người học đi làm cả tuần, chỉ học buổi tối và Thứ 7, chủ Nhật thì không còn năng lượng học nên không thể đảm bảo chất lượng. Thêm nữa có tình trạng thuê người học hộ, gian lận thi cử…"- ông Dũng nói. Thậm chí, nếu đánh giá các hệ các hệ đào tạo cùng một chuẩn đầu ra, thì người học hệ vừa làm vừa học và các hệ khác sẽ rớt kha khá.
Ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nói về lâu dài có thể thực hiện không phân loại trên văn bằng, nhưng hiện tại là chưa phù hợp. Lý do là chất lượng đào tạo các loại hình, chất lượng các trường đại học chưa ngang ngay.
"Có thể ở một khía cạnh nào đó cũng cần hội nhập quốc tế, nhưng phải tùy theo quốc gia. Ở các nước, thương hiệu của trường đã được định hình".
Ông Đương cho rằng, hiện nay trường nào cũng đặt mục tiêu "muốn tồn tại thì phải có chất lượng", thế nhưng xây văn hóa chất lượng là chưa đủ. Cơ quan tuyển dụng phải đủ khả năng để tuyển người đúng loại hình công việc. Ngay cả người thầy cũng phải thay đổi văn hóa đánh giá.
"Cứ thương cảm người học đang đi làm và nghĩ đi học được là một cố gắng, đánh giá nhẹ tay thì chất lượng đã khác rồi"- ông nói.
Ông Tô Văn Phương chỉ ra một số điểm còn tồn tại hiện này ở hệ vừa học vừa làm là : "Đối tượng học đa dạng, kiểu học ngoại ngữ cũng sang học kinh tế, học khối C đi học kế toán. Do vậy, dù cùng chương trình nhưng có người tiếp thu tốt, có người tiếp thu không tốt. Còn ở khâu tổ chức, các trường làm theo kiểu cơ sở liên kết. Một cán bộ tới cơ sở dạy 3-4 ngày hoặc 1 tuần cho hết môn nên người học không có thời gian nghiền ngẫm để tiêu hóa kiến thức".
Xây dựng văn hóa chất lượng, có quyết tâm "bỏ nồi cơm"?
Ông Đỗ Văn Dũng cho rằng nhiều trường ủng hộ việc không phân loại hình thức đào tạo trên bằng bởi "nồi cơm" sẽ được bảo toàn. Do vậy, cần nhìn sâu xa hơn là chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chứ không phải số lượng.
Còn ông Tô Văn Phương băn khoăn, xây dựng văn hóa chất lượng nhưng các trường có quyết tâm làm được không.
"Điều này sẽ ảnh hưởng rất tới nguồn tuyển sinh hàng năm. Trường này quyết tâm nhưng trường khác không làm thì lại lợi thế là hút được sinh viên. Các cơ sở liên kết đang "hết mình" cho người học thuận lợi, còn động cơ của người học vì mảnh bằng cũng khá nhiều"- ông Phương nói.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng bỏ xếp loại trên văn bằng tốt nghiệp thể hiện đúng tinh thần đổi mới của Luật GDĐH sửa đổi 2018 về khía cạnh giảm bớt trùng lặp và cải cách hành chính. Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành các thông tư quan trọng khác liên quan, như về đào tạo đại học, bao gồm đào tạo đại học hệ chính quy, vừa làm vừa học và đào tạo từ xa, thay thế cho một số thông tư hiện hành.
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trường ĐH FPT việc không ghi hình thức đào tạo lên bằng tốt nghiệp đã đặt dấu chấm hết lên chuỗi quy định pháp lý về vấn đề này. Điều này không bất ngờ bởi từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã quy định: tiêu chí đối tượng tuyển sinh, nội dung chương trình, giáo trình của hai hệ này là như nhau, thậm chí việc kiểm tra cùng một ngân hàng câu hỏi và tiêu chí xét tốt nghiệp giống nhau. Đến việc Luật Giáo dục Đại học quy định các bằng "có giá trị pháp lý như nhau".
"Thách thức lớn nhất là các trường đại học đào tạo cả chính quy lẫn tại chức phải nhanh chóng đồng nhất chất lượng hai hệ đào tạo này cụ thể là kéo tại chức lên ngang bằng chính quy"- ông Tùng nói
Theo ông Tùng, nếu xem bằng chính quy là loại A, bằng tại chức là loại B và khi sản phẩm, dịch vụ các lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhiều năm chỉ còn một loại chất lượng thì việc xoá A, B trong giáo dục là cần thiết. Đây cũng là dẹp đi cái phao "phi chất lượng, cái "nồi cơm" bẽ bàng một thời ở các trường.