Nghệ An:

Nam sinh lớp 6 tử vong trong cơn dại do chó cắn

Em Lương Thái S. (12 tuổi, trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) bị chó cắn cách đây hai tháng dẫn đến bệnh dại bộc phát và tử vong trong cơn dại.
Lào Cai: Một người tử vong do chủ quan sau khi bị chó cắn Bé trai bị chó cắn đã tử vong sau 3 tháng điều trị

Chiều 4/9, lãnh đạo UBND xã Yên Na, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa có một học sinh 12 tuổi tử vong, nguyên nhân do bị chó dại cắn nhưng không tiêm phòng.

Cụ thể, ngày 2/9 em Lương Thái S. (sinh năm 2007, học sinh lớp 6, trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na) bị sốt cao, được gia đình đưa đi chữa trị. Tại cơ sở y tế huyện Tương Dương, S. có biểu hiện lạ, được chuyển lên đến một bệnh viện ở thành phố Vinh. Tuy nhiên do tình trạng quá nặng nên S. đã tử vong vào ngày 3/9.

Ông Lương Đại Thắng, Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết hơn hai tháng trước em San bị một con chó nhà nuôi cắn. Người thân chủ quan, nghĩ rằng chó nhà nuôi nên không đưa em đi tiêm phòng.

Theo đại diện Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, hai năm gần đây, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 8 trường hợp tử vong do bị chó dại cắn nhưng không đi tiêm phòng. Một số trường hợp là trẻ em, bị chó cắn không báo bố mẹ biết.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật dại trên da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắcxin hay huyết thanh kháng dại. Tiêm huyết thanh là đưa một lượng kháng thể sẵn có vào cơ thể để trung hòa virus dại, còn vắcxin nhằm củng cố miễn dịch lâu dài về sau.

xot thuong nam sinh lop 6 tu vong trong con dai do cho can
Xót thương nam sinh lớp 6 tuổi tử vong trong cơn dại do chó cắn (ảnh minh họa)

Chó dại sẽ có những sự thay đổi trong hành vi thông thường của nó như cắm đầu cắm cổ chạy không có nguyên nhân, chui rúc vào chỗ tối, hoảng sợ, né tránh, cắn khi không bị trêu chọc, tiết nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép. Vì đói nên con vật có thể nhai mọi thứ, nhiều con bị liệt hai chân nên đi vòng tròn... Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo gia đình nên tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó mèo. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Đinh Linh (t/h)
Phiên bản di động