Năm 2021, Quốc hội sẽ không giám sát chuyên đề

Sáng 22/5, tại phiên họp Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.
Quốc hội thay đổi tổ chức kỳ họp linh hoạt vì lợi ích của nhân dân và đất nước Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV sẽ miễn nhiệm hai nhân sự đã được điều động Thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về quản lý, sử dụng Bảo tàng Hà Nội
Năm 2021, Quốc hội sẽ không giám sát chuyên đề

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội

Theo đó, 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV (cuối tháng 3/2021) tập trung vào việc tổng kết công tác nhiệm kỳ; Công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá XV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (cuối tháng 7/2021), chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; Xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Năm 2021, Quốc hội sẽ không giám sát chuyên đề

Quang cảnh phiên làm việc sáng 22/5 của Quốc hội

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV (cuối tháng 10/2021) tập trung vào các nội dung chính về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và một số hoạt động giám sát.

Căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021 - năm cuối nhiệm kỳ khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội.

Một trong các lý do là năm 2021, các cơ quan, địa phương phải dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình, do vậy sẽ không có đủ thời gian để triển khai giám sát toàn diện, có chiều sâu nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giám sát…

Sáng cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng trình bày tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc lập và thực hiện chương trình vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục như tính dự báo của chương trình không cao; Việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung vào thời điểm gần sát kỳ họp, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội. Tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng vẫn còn. Việc lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả thấp, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ. Vẫn còn trường hợp giao một cơ quan soạn thảo hoặc cơ quan thẩm tra phụ trách nhiều dự án…

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm; Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình xây dựng pháp luật chưa phát huy hết trách nhiệm, nhất là trong công tác chuẩn bị dự án…

Chương trình năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc đưa các dự án vào chương trình phải đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng; Trong một kỳ họp không giao quá nhiều dự án, dự thảo cho một cơ quan (cả cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo). Không đưa vào chương trình những dự án, dự thảo mà hồ sơ không đầy đủ, không đáp ứng yêu cầu về chất lượng; Không bổ sung dự án vào chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, trừ trường hợp thực sự cấp thiết.

Đối với chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Trong đó, đưa ra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng; Nếu kịp thì cho bổ sung vào chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung dự thảo nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào chương trình năm 2020.

Bên cạnh đó, đưa ra Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động và lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan và trình đồng thời với dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) nhằm bảo đảm thống nhất và chất lượng. Sau khi Chính phủ hoàn thiện dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung để báo cáo Quốc hội đưa vào chương trình.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020) để cho ý kiến đối với 3 dự án luật; Cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp đối với 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, gồm: Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên hiệp quốc.

Về dự kiến chương trình năm 2021, Chính phủ đề nghị đưa 8 dự án Luật vào chương trình năm 2021. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không chuẩn bị kịp hoặc không bảo đảm chất lượng phải lùi, rút dự án, dự thảo ra khỏi chương trình để đồng thời có giải pháp kiên quyết xử lý, để tiến tới chấm dứt tình trạng này.

Nguồn: TTTĐ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động