Mỹ sắp phóng thử tên lửa bị cấm theo hiệp ước INF
Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III tại căn cứ không quân Vandenberg, bang California tháng 2/2016. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi sẽ phóng thử một tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8, sau đó là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km vào tháng 11", AP ngày 13/3 dẫn lời các quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ phát biểu tại Lầu Năm Góc.
Các quan chức này cho hay hai loại tên lửa sắp được phóng thử sẽ trang bị đầu đạn thông thường và không phải vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, chúng nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cấm các loại tên lửa hành trình, đạn đạo có tầm bắn 500-5.500 km.
Sau khi phóng thử, hai loại tên lửa này sẽ được Mỹ biên chế trong khoảng 2-5 năm tới. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này chưa hỏi ý kiến các đồng minh tại châu Á và châu Âu về việc triển khai tên lửa tại lãnh thổ các quốc gia này. Mỹ có thể triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tại đảo Guam, khu vực phía tây Thái Bình Dương để đối phó với "mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga".
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Michelle Baldanza ngày 11/3 cho biết Mỹ bắt đầu chế tạo các linh kiện tên lửa hành trình phóng từ mặt đất. Tuy nhiên, Mỹ tuyên bố có thể đình chỉ chương trình phát triển và thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất nếu Nga tuân thủ đầy đủ quy định của hiệp ước INF trước thời điểm tháng 8 năm nay.
Mỹ trong nhiều năm cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF khi phát triển tên lửa hành trình 9M729. Nga phủ nhận điều này và tuyên bố Mỹ vi phạm hiệp ước INF khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu với ống phóng đa năng Mk.41 có khả năng phóng tên lửa hành trình.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 1/2 tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt hiệp ước INF trong vòng 6 tháng nếu Nga không phá hủy tên lửa 9M729. Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/3 ký sắc lệnh cho phép Moskva ngừng tuân thủ các điều khoản của hiệp ước INF và bật đèn xanh cho việc phát triển tên lửa hành trình tầm trung.
Nhiều đồng minh của Mỹ lo ngại việc hiệp ước INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987 bị hủy bỏ sẽ châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang mới và đặt châu Âu vào tầm ngắm của nhiều loại tên lửa hạt nhân.