Mỹ muốn làm rõ việc Triều Tiên khôi phục bãi phóng tên lửa
"Chúng tôi ngay lúc này đang theo dõi những diễn biến tại Sohae và chắc chắn sẽ tìm cách làm rõ mục đích của các động thái" - Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giấu tên hôm qua cho biết, đề cập tới Trạm Phóng Vệ tinh Sohae (còn gọi là Tongchang-ri) của Triều Tiên.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) hôm 5/3 tiết lộ, Triều Tiên đã lắp lại một phần mái che và cánh cửa tại Sohae. 38 North, dự án giám sát Triều Tiên trụ sở ở Washington, hôm qua cũng nhận định Sohae dường như đã được khôi phục trạng thái hoạt động bình thường.
"Hiện chưa ai rõ ý định của Triều Tiên trong vấn đề này trừ chính họ. Chúng tôi không biết tại sao họ thực hiện những hành động này và có dự định gì. Tuy nhiên, chúng tôi đang theo dõi sát sao và hy vọng họ tuân thủ các cam kết với Tổng thống Mỹ" - quan chức cho biết.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết tháo dỡ bãi phóng Sohae trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào tháng 6/2018, sau đó nhắc lại một lần nữa tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 9/2018.
Vị trí bãi phóng Sohae, hay còn gọi là Tongchang-ri (chấm tròn màu đen). Ảnh: SPACE.com.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội kết thúc tuần trước mà không có thỏa thuận nào giữa hai bên. Tổng thống Trump hôm 6/3 cho biết ông "sẽ rất thất vọng về Chủ tịch Kim" nếu Triều Tiên khôi phục bãi phóng tên lửa.
Nguồn tin đánh giá Sohae nên bị phá hủy như một phần của quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, nhưng bãi phóng này không quá quan trọng trong cơ sở hạ tầng hạt nhân của Bình Nhưỡng tại thời điểm này, bởi các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa gần đây đều được tiến hành từ các bệ phóng di động ngoài khu vực.
Quan chức này cho biết thêm rằng Mỹ muốn phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn toàn và có thể kiếm chứng trong nhiệm kỳ đầu của Trump, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng điều này khả thi. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 5/3 cảnh báo Washington sẽ tăng cường trừng phạt nếu Bình Nhưỡng không phi hạt nhân hóa.