Mỹ chấn động vì gian lận tuyển sinh vào các trường đại học hàng đầu

Công tố viên buộc tội gần 50 người, gồm nhiều diễn viên nổi tiếng, trong vụ dùng 25 triệu USD gian lận giúp con cái vào các trường đại học lớn.
my chan dong vi gian lan tuyen sinh vao cac truong dai hoc hang dau

200 đặc vụ Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã tham gia điều tra trong Chiến dịch Varsity Blues kéo dài một năm, tìm hiểu cách thức phụ huynh mua chuộc huấn luyện viên thể thao các trường đại học và nhân viên các trung tâm kiểm tra đầu vào đại học để con cái họ được tuyển sinh vào những ngôi trường hàng đầu nước Mỹ như Yale, Georgetown, Standford và Nam California, theo Guardian.

William "Rick" Singer (58 tuổi), bị buộc tội điều hành đường dây gian lận thông qua Mạng lưới Edge College & Caree. Khách hàng của Singer có người là CEO, có người là chủ tịch công ty chứng khoán, thương nhân bất động sản, nhà thiết kế thời trang, đồng chủ tịch của một công ty luật toàn cầu.

Gần 50 người, bao gồm 33 phụ huynh cùng 13 huấn luyện viên thể thao trong trường đại học và cộng sự của Singer bị buộc tội. Hàng chục người bị bắt vào trưa 12/3 tại các thành phố New York, Los Angeles.

"Những phụ huynh này đều là người giàu có, hưởng nhiều đặc quyền", Andrew Lelling, luật sư đại diện cho phòng công tố quận Massachusetts nói trong buổi họp báo sáng 12/3. "Dựa theo những cáo buộc chưa được tiết lộ hôm nay, tất cả họ đều cố tình hợp tác với Singer và ngươi khác để mua suất nhập học cho con cái vào các trường lớn".

Felicity Huffman, nữ diễn viên phim Những bà nội trợ tuyệt vọng, xuất hiện ở tòa án Los Angeles hôm qua. Huffman bị cáo buộc liên quan tới chương trình tuyển sinh đại học gian lận và thẩm phán cấm Huffman xuất cảnh, cho phép nộp 250.000 USD tiền bảo lãnh tại ngoại.

Chồng của Huffman là diễn viên William H Macy tham dự phiên tòa cùng vợ. Ông này không bị buộc tội và các nhà chức trách không nêu lý do. Lori Loughlin. một nữ diễn viên nổi tiếng khác của Hollywood, cũng bị buộc tội liên quan vụ gian lận.

Nữ diễn viên Huffman cùng chồng và hai con gái trong một buổi công chiếu phim năm 2014. Ảnh: BBC.

Nữ diễn viên Huffman cùng chồng và hai con gái trong một buổi công chiếu phim năm 2014. Ảnh: BBC.

Bốn người bị bắt tại New York là Gregory Abbott, Gordon Caplan, Elizabeth và Manuel Henriquez, đều phải nộp 500.000 USD bảo lãnh tại ngoại sau khi xuất hiện trong phút chốc ở tòa án liên bang Manhattan. Luật sư của các bị cáo từ chối trả lời về cáo buộc thân chủ âm mưu lừa đảo qua thư giới thiệu nhập học.

Abbott là người sáng lập một công ty đóng gói thực phẩm và đồ uống. Caplan là đồng chủ tịch công ty luật Willkie Farr & Gallagher, nơi có 700 luật sư và 10 văn phòng đại diện ở 6 quốc qua. Manuel Henriquez là chủ tịch công ty chứng khoán Hercules Capital Inc, liên tục lắc đầu trước tòa. Elizabeth Henriquez tỏ ra căng thẳng, liên tục đưa tay vuốt tóc.

Công tố viên Mỹ cho hay, họ đã chi từ 200.000 USD tới 6,5 triệu USD để đảm bảo con cái được nhập học. Nữ diễn viên Huffman bị cáo buộc dùng 15.000 USD quyên góp từ thiện để ngụy trang mua bán suất vào đại học cho con gái.

Theo hồ sơ tòa án, Singer sắp xếp cho giám khảo các kỳ thi tuyển sinh đại học can thiệp vào bài thi của con cái khách hàng, nhắc bài hoặc sửa đáp án nếu thí sinh đã hoàn thành bài thi. Lelling cho hay, trong trường hợp phải làm bài kiểm tra lần hai, bài thi sẽ được nâng điểm hợp lý để không gây nghi ngờ. Thí sinh cũng được yêu cầu nộp một bản chữ viết tay để người làm hộ bài bắt chước nét chữ.

Trong một số trường hợp khác, Singer bị cáo buộc âm mưu cùng huấn luyện viên thể thao các trường đại học chấp nhận thí sinh vào học với tư cách là vận động viên được chiêu mộ, dù có người chưa từng chơi môn thể thao được nhận vào học. Ảnh hồ sơ thí sinh thậm chí còn được chỉnh sửa, gắn đầu của thí sinh lên người của vận động viên.

Các huấn luyện viên bị buộc tội là nhân viên trường Stanford, Georgetown, Wake Forest, Nam California, California, Los Angeles.

Một trường hợp khác, gia đình trả 1,2 triệu USD trong nhiều đợt, bao gồm khoản "quyên góp từ thiện" 900.000 USD để tạo hồ sơ giả cho con gái được trường Yale nhận vào học với tư cách là thành viên đội bóng ném "dù sự thực là nữ sinh không biết chơi trò này".

Rudy Meredith, cựu huấn luyện viên đội bóng nữ trường Yale, bị buộc tội nhận tờ séc 400.000 USD từ gia đình trên. Meredith nghỉ việc năm ngoái. Ông này đã nhận tội, đồng ý giúp công tố viên lấy bằng chứng cáo buộc những người khác. John Vandemoer, cựu huấn luyện viên môn bơi thuyền ở Stanford, cũng nhận tội gian lận hôm qua. Stanford cho hay Vandemore đã bị sa thải.

Mạng lưới các trường đại học Mỹ có liên quan tới vụ gian lận hồ sơ tuyển sinh. Ảnh: BBC.

Mạng lưới các trường đại học Mỹ có liên quan tới vụ gian lận hồ sơ tuyển sinh. Ảnh: BBC.

Đại học Nam California hôm qua thông báo sa thải hai nhân viên bị truy tố trong vụ án gian lận. Jovan Vavic, huấn luyện viên môn bóng nước, đã được trả 250.000 USD để chỉ định hai sinh viên làm tân binh cho đội bóng nước, giúp họ vào đại học. Phó Giám đốc thể thao cấp cao Donna Heinel đã tạo điều kiện nhập học sau khi nhận hối lộ. Luật sư của Heinel hôm qua không trả lời bình luận.

Một luật sư của Singer cho hay thân chủ sẽ hợp tác đầy đủ với công tố viên liên bang. Trong phiên tòa hôm qua ở Boston, Singer đã thừa nhận các cáo buộc bao gồm gian lận, rửa tiền, cản trở công lý. Luật sư Donald Heller cho biết Singer "rất hối hận và muốn tiếp tục cuộc sống". Theo BBC, Singer có thể bị phạt tù tối đa 65 năm và phạt tiền một triệu đôla. Singer sẽ bị kết án vào tháng 6 tới.

Theo VNE
Phiên bản di động