Loét giác mạc, thủng nhãn cầu khi nhấn mí tại spa không phép
Mới đây, Bệnh viện Mắt Trung ương liên tục nhận được những ca bệnh tai biến sau thẩm mỹ nhấn mí mắt ở những cơ sở trôi nổi, không giấy phép.
Các bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng 2 mắt sưng do viêm áp xe mi mắt, bị biến chứng thải loại chỉ thẩm mỹ hoặc bị hở chỉ khâu, đầu chỉ cọ sát vào giác mạc, gây viêm loét, thủng nhãn cầu...
Một nạn nhân của nhấn mí hỏng. Ảnh minh họa |
Cá biệt, có trường hợp trong quá trình nhấn mí, đầu kim bị gãy nhưng cơ sở làm đẹp không thông báo cho khách hàng. Chỉ đến khi biến chứng nặng, bệnh nhân đến bệnh viện khám, chụp CT mới phát hiện ra. Lúc này, đầu kim gãy đã lẫn vào các tổ chức của mắt rất khó để tìm.
BS Nguyễn Thị Thu Hiền, khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Quá trình lấy đầu kim trong mi mắt tương đối phức tạp và khó khăn vì khi bị gãy kim thì đầu kim lẩn trong các tổ chức của mắt rất khó để tìm, nhiều khi phải dùng nam châm để hút ra. Những biến chứng như thế rất nguy hiểm, có thể gây những biến chứng nhãn cầu gây mù lòa cho bệnh nhân. Ngoài ra còn bị lây lan bệnh qua truyền máu khi dùng chung dụng cụ thẩm mỹ. Do vậy, người dân cần tìm đến những cơ sở uy tín để giữ gìn sức khỏe cho bản thân.
Nhấn mí không đơn giản là luồn chỉ và khâu lại là xong mà phải tính số mũi khâu dựa trên đặc điểm của mắt, tổ chức mô mềm, độ nông sâu của mắt. Muốn làm được điều đó, phải trải qua đào tạo cơ bản và có kinh nghiệm nhất định. Nếu người điều trị không có chuyên môn, mí sau khi nhấn có thể không nhắm được do cố định vùng nếp da quá cao vào cơ nâng mi, gây mất cân đối 2 bên mí, gây viêm sụn, sưng nề. Nhấn mí không đúng kỹ thuật dễ gây rúm và biến dạng mi mắt. Nhấn mí là kỹ thuật nhìn đơn giản nhưng thực tế rất khó và chỉ bác sĩ tạo hình mới có thể làm được.
TS Nguyễn Huy Cảnh - Phó Chủ nhiệm khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tạo hình mí mắt (blepharoplasty) là một trong những phẫu thuật khó nhất trong số các phẫu thuật thẩm mỹ.
Những vấn đề thường gặp nhất khi thực hiện phẫu thuật này là sụp mí, mí không cân đối thậm chí là loét giác mạc do lộ chỉ bên trong mí mắt...
Trước đó, đã có những ca biến chứng sau nhấn mí nổi đình nổi đám trên mạng. Chẳng hạn như vụ cắt mí và mỡ bọng mắt tại cơ sở "làm đẹp" ở phố Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội cuối tháng 11/2017. Sau một đêm thì mắt của khách hàng này bị sưng nhiều, đường khâu mí mắt gồ lên rất xấu.
Hay như trường hợp chị H.T.H (28 tuổi), thực hiện nhấn mí ở 1 cơ sở spa, thấy mắt trở về bình thường, mí rõ hơn. Tuy nhiên, một năm sau (8/2018), chị thấy mắt có biểu hiện sưng đỏ, phần chỉ nhấn mí bị lộ ra ngoài khiến da nhiễm khuẩn, hình thành u hạt… Theo các bác sĩ, u hạt có thể 'ăn mòn' hết mí dẫn tới hoại tử mí mắt.
Một hiểm họa tiềm ẩn khác ít được chị em để ý nhưng vô cùng nguy hiểm là nguy cơ nhiễm trùng, lây nhiễm HIV, viêm gan B. Bởi vô trùng thiết bị y tế không chỉ đơn thuần là đem luộc sôi vì có những vi rút như viêm gan B không chết ở 100 độ C.
Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo: Nhấn mí và cắt mí là kỹ thuật buộc phải thực hiện ở các cơ sở y tế được cấp phép theo quy định của Bộ Y tế và phải do những người có chuyên môn, bằng cấp bác sĩ thực hiện.