Kỹ sư “chân đất” và niềm vui góp sức cho cộng đồng
Sáng tạo trong lao động
Tham gia chương trình giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt do Ban Thi đua – Khen thưởng thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức, anh Quyết khiến nhiều người mến phục. Không qua trường lớp đào tạo bài bản nhưng bằng tình yêu lao động anh đã tạo ra máy cắt kính tự động được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Sáng chế, giải pháp hữu ích”.
Anh Quyết cho biết, sáng chế đến với anh bằng sự đam mê. Năm 2011, anh bắt tay vào làm cửa nhựa lõi thép và bắt đầu được va chạm với kính an toàn hay còn gọi là kính dán 2 lớp.
“Tôi mua kính dán nguyên khổ về để cắt thành phần để lắp vào cửa. Tuy nhiên, đến khi cắt xong mặt trên, phải lật ngược lại để cắt mặt dưới vì là 2 lớp kính. Do đó, tôi mới thấy sự vất vả và nguy hiểm cho người công nhân. Tôi hỏi một số người thợ, họ bảo vẫn cắt thủ công như thế. Khi đó, tôi nghĩ trong đầu cần chế ra cái máy để cắt kính cho đỡ vất vả”, anh Quyết kể.
Anh Trần Văn Quyết (thứ hai từ phải sang) giới thiệu về máy cắt kính |
Nghĩ là làm, anh Quyết mua thép về, bắt tay vào chế tạo nhưng khi đó anh còn chưa biết đến hệ điều hành là gì. Anh vừa làm vừa mò mẫm nghiên cứu, đêm ngày kỳ cạch hàn, gắn, kết nối các chi tiết máy móc. Anh cũng tiêu tốn bao nhiêu tiền của cho việc mua kính về cắt thử nghiệm.
Tuy nhiên, với quyết tâm và đam mê, sau 2 năm nghiên cứu, chế tạo chiếc máy đầu tiên đã ra đời đáp ứng những tiêu chí anh Quyết đặt ra phục vụ hữu ích cho công việc kinh doanh của gia đình. Nghĩ chiếc máy cắt kính của mình chế tạo sẽ có ích với nhiều người, anh quyết định giới thiệu bán ra thị trường.
Chiếc máy cắt kính đầu tiên được một vị khách tại quận Hà Đông (Hà Nội) tin dùng. Sản phẩm được khách hàng đánh giá cao về hiệu quả nhưng về độ ổn định thì chưa đạt, vì vật tư thiết bị không đảm bảo tuổi thọ.
Anh Quyết lại nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm một lần nữa. Chiếc máy cắt kính bán tự động phiên bản mới nhất được anh tích hợp với robot tự động, nâng được tấm kính có diện tích 10 m2 với trọng lượng 350 kg, cắt kính mịn và phẳng hơn, năng suất cắt kính tăng gấp 3 lần so với phương pháp thủ công. Công nhân chỉ việc đặt tấm kính lên bàn nâng, còn lại những khâu khác do máy tự động xử lý, hạn chế tối đa những rủi ro cũng như giữ sức cho người lao động.
Xây dựng quê hương
Năm 2019, chiếc máy cắt kính của anh đã trở thành một sáng chế thu hút sự quan tâm của cộng đồng cũng như những người trong giới kỹ thuật bởi tính hữu dụng của nó. Cũng trong năm này, chiếc máy đầu tiên đã được anh Quyết cho xuất ngoại.
Anh Trần Văn Quyết (bên trái) tại chương giao lưu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt |
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, anh Quyết mở xưởng sản xuất với tên gọi Linh Sơn Grass với quy mô gần 1000 m2. Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh đã tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với thu nhập từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng trung bình anh cho ra thị trường 10 chiếc máy cắt kính khác nhau, giá thành dao động từ 100 – 500 triệu đồng. Máy cắt kính Linh Sơn của anh đã có mặt trên thị trường các tỉnh thành toàn quốc.
Không chỉ sáng tạo trong lao động, anh Quyết còn là người có nhiều đóng góp trong xây dựng quê hương. Năm 2017, khi tuyến đường liên thôn từ Đỗ Xá đến ủy ban nhân dân xã bị xuống cấp trầm trọng, ổ gà, ổ voi nhiều, nắng thì bụi, mưa thì ngập. Đường đó lại là con đường dẫn cho trẻ em đến trường. Những giờ tan học, các em học sinh cấp một, cấp hai hàng ngày đi học qua đoạn đường đó rất vất vả và nguy hiểm. Vì thế, anh xin phép lãnh đạo xã và thôn cho tài trợ toàn bộ vật tư để làm cả tuyến đường.
Đầu năm 2020, anh Quyết lại thấy cái hồ duy nhất của làng bị ô nhiễm và rác thải bồi lấp, làm ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan. Anh đã xin phép chính quyền và Nhân dân cho được đầu tư đổ bùn, cải tạo thành một hồ nước sạch để người lớn và trẻ em mùa hạ bơi lội. Mỗi ngày có gần 200 người lớn và trẻ em bơi lội ở hồ.
Gần đây, anh đã ủng hộ lắp đặt hệ thống đèn vàng cảnh báo 8 hướng cho hầm cầu chui liên thôn Đỗ Xá, xã Vạn Điểm vì đoạn đường này rất đông người qua lại, nhất là giờ tan học trước kia thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Sau 6 tháng lắp đặt hệ thống đèn, chưa có một vụ tai nạn nào xảy ra. Ngoài ra, anh cũng tích cực ủng hộ công tác phòng chống dịch ở địa phương.
“Tôi là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Đỗ Xá. Khi trưởng thành tôi cũng mong muốn có chút phần xây dựng quê hương. Với tôi đó còn là niềm vui khi mình làm được điều gì có ích cho cộng đồng”, anh Quyết tâm sự.
Với những đóng góp đó, anh Quyết nhiều năm liền được thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.