Kiểm toán cao tốc Bắc - Nam, dự án xây dựng, cải tạo các sân bay
Sân bay Nội Bài tăng cường phòng dịch phục vụ bay tăng trưởng trở lại |
Dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2021 vừa được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội. Kế hoạch chung, năm 2021, Kiểm toán nhà nước tập trung kiểm toán 169 cuộc kiểm toán, tăng 11 cuộc so với kế hoạch kiểm toán năm 2020 đã ban hành.
Cụ thể hơn, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 32 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm như dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020; dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Các dự án hạ tầng như cải tạọ, nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam... sẽ được kiểm toán trong năm 2021. |
Danh sách dự kiến còn có các dự án thủy lợi, như dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng; dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1; Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; Dự án Hồ chứa nước Krong Pách Thượng); Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2; Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín; Đường dây 500/220kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2; Đường dây 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi; Đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2; Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1)…
Năm sau, Kiểm toán nhà nước cũng dự kiến lựa chọn 23 cuộc kiểm toán chuyên đề, gồm: 3 cuộc kiểm toán chuyên đề phạm vi rộng (Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư tại đô thị giai đoạn 2017-2020; Hoạt động quản lý môi trường tại các Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020; Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Một số chuyên đề khác cũng được dự kiến sẽ kiểm toán là về việc quản lý, sử dụng vốn ODA; các chương trình - dự án thuộc lĩnh vực an sinh - xã hội, phát triển kinh tế vùng; Công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020;…
Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 21 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 14 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 6 ngân hàng và các tổ chức tài chính, tín dụng.
Mục tiêu được nêu tại báo cáo là lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nuớc năm 2020 kết hợp với việc đánh giá công tác cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán; đánh giá các hoạt động quản lý, bảo đảm phát triển lành mạnh thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước như: giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm…; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…
Người đứng đầu ngành tài chính cũng cho biết, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2020 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng, tổng công ty tài chính, bảo hiểm có quy mô lớn để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm đánh giá việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; xử lý nợ xấu; việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; vay không có tài sản bảo đảm để trả lương cho người lao động... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo quy định tại Chỉ thị số 11, tháng 3/2020 của Chính phủ; Thông tư số 01, tháng 3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết số 42 tháng 4/2020 của Chính phủ.