Khám sức khoẻ phát hiện mất 1 quả thận, bệnh nhân tố BV Việt Đức tự ý cắt
Yêu cầu sớm đưa cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức vào hoạt động |
Bà Lê Thị Nga, 55 tuổi ở Hà Trung, Thanh Hoá vừa có đơn phản ánh gửi các cơ quan chức năng và báo chí, đề nghị làm rõ việc bà bị cắt thận trái nhưng gia đình không hề được BV Việt Đức thông báo trong ca phẫu thuật cách đây 4 năm.
Bà Nga cho biết, tháng 12/2015, bà được phẫu thuật lấy sỏi thận tại BV Việt Đức, gia đình đã ký cam kết đầy đủ, nhưng trong và sau ca mổ, gia đình không hề được bác sĩ thông báo cắt 1 bên thận.
Đến cuối tháng 7 vừa qua, do thường xuyên tiểu buốt, tiểu ra máu, nghi sỏi thận nên bà Nga quay lại BV Việt Đức thăm khám.
GS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Việt Đức khẳng định, bác sĩ đã thông báo cho bệnh nhân và gia đình trước khi cắt 1 bên thận |
Trong quá trình thăm khám, bệnh nhân được chỉ định siêu âm, kết quả: Thận phải: Kích thước bình thường, nhu mô dày bình thường, nhóm đài bể thận trên giãn khu trú, không thấy sỏi. Có nang cực dưới, kích thước 21 mm. Thận trái: kích thước bình thường, nhu mô dày mỏng không đều, đài bể thận giãn. Đài bể thận có vài sỏi, các sỏi nhỏ nhất kích thước lớn nhất là 23 mm.
Tiếp đó, bác sĩ chỉ định chụp X-quang cắt lớp. Tuy nhiên kết quả hình ảnh cho thấy, bà không còn thận trái.
Ngày 25/7, bà Nga cùng gia đình tiếp tục quay lại BV Việt Đức để thăm khám lại, bác sĩ vẫn khẳng định không thấy thấy thận trái.
Ngày 5/8, phía BV Việt Đức đã có buổi làm việc với bà Nga nhưng gia đình cho rằng chưa thoả đáng nên tiếp tục làm đơn.
“Phía BV giải thích, trong quá trình phẫu thuật mới phát hiện thận yếu, ứ nước nên đã cắt thận mà không thông báo cho gia đình. Như vậy, trước khi ca phẫu thuật tiến hành, bác sĩ không thể biết là buộc phải cắt thận mà chỉ xảy ra trong khi thực hiện phẫu thuật", bà Nga nêu.
Trước đơn phản ánh của bà Nga, GS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Việt Đức cho biết, trong hồ sơ phẫu thuật lấy sỏi 4 năm trước đều thể hiện bà Nga đã được cắt bỏ 1 quả thận do trong quá trình mổ, bác sĩ phát hiện thận trái mất chức năng, không thể cứu, có nguy cơ gây biến chứng nặng.
GS Sơn khẳng định, trước khi phẫu thuật, bác sĩ đã giải thích với người bệnh và gia đình về những biến chứng trong phẫu thuật. Anh trai của bệnh nhân cũng đã thay mặt gia đình ký cam kết. Trong đó, biến chứng chính là phải cắt thận hay biến chứng nặng nhất là tử vong.
Trong giấy ra viện của bệnh nhân cách đây 4 năm cũng ghi rõ việc đã cắt bỏ thận trong giấy chứng nhận cách thức phẫu thuật, giấy hẹn tái khám, đơn thuốc...
“Những giấy tờ này đều giao bệnh nhân giữ nhưng trong buổi làm việc với gia đình, khi hỏi lại giấy ra viện thì gia đình nói đã làm mất”, GS Sơn thông tin.
Ngoài ra, GS Sơn cho biết, giấy theo dõi của điều dưỡng kẹp ở đầu giường của bệnh nhân trong quá trình chăm sóc tại viện sau ca mổ cũng thể hiện rất rõ việc cắt thận. Giấy này bệnh nhân và người nhà đều được xem công khai.
“Tôi khẳng định không có chuyện bệnh nhân không biết mình bị cắt thận ở ca mổ cách đây 4 năm. Bác sĩ mổ cho bệnh nhân cũng khẳng định là có giải thích với bệnh nhân và gia đình rồi”, Phó giám đốc BV Việt Đức nhấn mạnh.