Huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang xử lý hàng trăm xác lợn chết trên kênh Trôi
Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 24 quận, huyện tại Hà Nội Dịch tả heo châu Phi bùng phát: Lỗi tại ai? Dịch tả lợn châu Phi - Bài 5: Nước mắt nông dân, chứng khoán lao dốc và hơn thế nữa |
Ngay sau khi nhận được thông tin về dòng kênh rác đem theo xác lợn chết trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nhóm PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã tìm gặp những người dân sống gần dòng kênh đầy xác lợn chết và được họ cho biết: “Cách đây mấy ngày, chỗ này toàn xác lợn chết từ Thái Nguyên về, vớt không xuể. Có những con to chúng tôi phải chặt ra để vớt. ”Hàng trăm xác lợn chết nổi trên kênh
Thực tế ghi nhận ngày 14/5, trên kênh Trôi đoạn từ Phú Bình (Thái Nguyên) về xã Hoàng An (huyện Hiệp Hòa) đã không còn tình trạng ứ đọng nhiều xác lợn chết. Nguyên nhân được cho là nước đã tạm rút nên rác và rác thải động vật ngưng trôi về.
Bên cạnh đó, người dân xã Hoàng An cho biết tại đây, người dân và cán bộ xã dã phải túc trực trục vớt, tiêu hủy hàng ngày.
Người dân xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa chia sẻ về hàng trăm xác lợn chết trên dòng kênh |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng An cho biết, số lợn này theo kênh Trôi từ Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) về. UBND huyện Hiệp Hòa đã giao cho UBND xã Hoàng An tiến hành trục vớt.
Chủ tịch UBND xã Hoàng An cho biết, việc trục vớt và tiêu hủy diễn ra hàng ngày. Mỗi ngày tại đoạn kênh này có tới hàng tấn lợn chết được vớt lên. UBND xã Hoàng An phải thuê tời, lắp ròng rọc để đưa xác lợn chết lên khỏi dòng kênh. Thậm chí với những con lợn nái trên 3 tạ, thuê cả máy múc mới có thể đưa xác tới nơi tiêu hủy được.
Ông Tạ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa |
Trao đổi với PV, ông Tạ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết đã nắm được việc dòng kênh tại xã Hoàng An có nhiều xác động vật trôi về, UBND huyện đã chỉ đạo xã Hoàng An xử lý.
Trước đó ngày 30/4, UBND huyện Hiệp Hòa cũng đã trao đổi với UBND huyện Phú Bình (Thái Nguyên) xây dựng rào chắn rác giáp ranh, bắt đầu chắn từ 1/5 chắn rác.
Khu vực rào chắn ứ đọng rác thải và xác lợn chết |
Tiếp đó, ngày 2/5, UBND huyện Hiệp Hòa làm việc tiếp với UBND huyện Phú Bình về việc tuyên truyền dân người dân phòng chống dịch tả lợn châu Phi, không vứt rác xuống kênh.
Tuy nhiên, từ ngày 1/5 - 5/5, có nhiều xác động vật dồn ứ lại rào chắn. UBND huyện quyết định rút rào để trục vớt, tiêu hủy xác theo quy định để ngăn dịch lây lan.
Ông Tạ Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết, thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và UBND tỉnh Bắc Giang, ngày 6/3/2019, UBND huyện Hiệp Hòa đã tổ chức Hội nghị triển khai phương án phòng chống dịch,
Trên địa bàn có rải rác lợn chết, đến ngày 22/3, sau khi lấy mẫu lợn chết ở xã Hoàng Thanh, UBND huyện Hiệp Hòa đã công bố dịch. Cùng với đó triển khai phương án phòng chống toàn bộ các xã trên địa bàn huyện.
Người dân túc trực vớt xác lợn trên kênh |
UBND huyện lập 2 chốt kiểm dịch ở khu vực giáp ranh giữa huyện Hiệp Hòa và huyện Phú Bình (Thái Nguyên) ở Quốc lộ 37; huyện Hiệp Hòa và huyện Đông Phong để tăng cường kiểm soát xe chở lợn, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn lập chốt giáp ranh để ngăn dịch.
Theo ông Hùng, tới thời điểm hiện tại toàn huyện có trên 18.000 con lợn mắc dịch bị tiêu hủy, trọng lượng trên 1.000 tấn.
Tuy nhiên thời gian gần đây số lợn phải tiêu hủy đã giảm còn 30 tấn/ ngày (đợt cao điểm trên 100 tấn/ ngày).
Cùng với đó, toàn huyện cũng thực hiện tháng cao điểm phòng chống dịch. Cụ thể, mỗi chủ nhật đều rắc vôi bột tiêu độc khử trùng, xử lý rác thải trên các dòng kênh, ao hồ tù đọng.
Hố chôn lợn mắc dịch tả châu Phi tại huyện Hiệp Hòa |
Riêng tại xã Hoàng An, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết, ngay từ đầu tháng 3/2019, khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, UBND xã đã chủ động tuyên truyền.
Với đặc thù là huyện miền núi, các cán bộ xã đã phải xuống từng hộ gia đình, thông tin tới người dân rằng dịch bệnh này dễ lây lan qua nguồn nước bẩn có xác động vật, và một khi nhiễm bệnh thì không thể chữa, gây thiệt hại lớn.
Bên cạnh đó, UBND xã cũng tổ chức rà soát số hộ, yêu cầu cam kết phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Đáng nói, những trang trại vừa và nhỏ trên địa bàn gần như không mắc dịch. Do chủ các trang trại có kiến thức, rất chú trọng việc phòng dịch.
Tại xã hiện có gần chục hộ phải tiêu hủy lợn do dịch bệnh, đa số là các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ.
Theo chính sách của Nhà nước, UBND xã có hỗ trợ thiệt hại cho người dân với lợn nái được gấp rưỡi giá đền bù so với lợn thương phẩm.
Chỉ đạo trực tiếp từ Bộ NN-PTNT
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, ngày 13/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, tình hình dịch bệnh đang ngày càng phức tạp. Thời gian qua, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, nhiều địa phương đã làm rất tốt. Song, có địa phương làm không tốt.
Cụ thể, Thứ trưởng cho biết: "Khi trực tiếp đi kiểm tra ở Hiệp Hòa (Bắc Giang), không hẳn là của Hiệp Hoà mà của Phú Bình (Thái Nguyên) cũng có xác lợn chết trôi về. Tôi nhìn thấy các bao tải trôi về”. Theo ông, với đặc điểm bệnh dịch tễ của dịch tả lợn châu Phi thì rất nguy hiểm, không vắc xin, không thuốc chữa, tồn tại trong môi trường như ở nhiệt độ 56 độ C thì virus phải 70 phút mới chết, nhiệt độ 70 độ C thì phải 20 phút virus mới chết. Còn 100 độ thì 10 phút virus mới chết.
Liên quan đến vấn đề xác lợn chết xuất hiện đầy kênh mương tại địa phận của tỉnh Bắc Giang, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, Sở thường xuyên chỉ đạo nhưng vì lực lượng cán bộ thú y mỏng và tỉnh đã sáp nhập tổ chức nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động người tham gia công tác phòng, chống bệnh dịch.
Theo ông Tùng, các huyện tại Bắc Giang cũng đã nhiều lần đề xuất tỉnh Thái Nguyên phối hợp xử lý hiện tượng người dân vứt xác lợn chết ra kênh mương nhưng vì là điểm giáp ranh nên vẫn không hiệu quả.
Trước đó, để chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh và chấm dứt tình trạng vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương và Thái Bình tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp huy động lực lượng của địa phương (bao gồm lực lượng ngành nông nghiệp, môi trường, quân đội, công an, dân quân, các tổ chức đoàn thể,... ) tổ chức phát hiện, kịp thời tiêu hủy lợn bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; chấm dứt ngay tình trạng nêu trên.
Đồng thời, giao lực lượng công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, người dân theo dõi, điều tra, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác lợn chết, lợn bệnh, nghi bị bệnh ra môi trường làm ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.