Huyện Đông Anh phát hiện 26 ổ dịch tay chân miệng
TP Hồ Chí Minh bước vào mùa cao điểm sốt xuất huyết và tay chân miệng Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội đang tăng nhanh Thuốc chống virus “chữa khỏi” bệnh tay chân miệng? |
Theo báo cáo của Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (TTYT huyện Đông Anh), trong tuần từ 31/8-6/9, huyện này đã ghi nhận thêm 27 bệnh nhân tay chân miệng, cộng dồn từ đầu năm 2020 đến nay toàn huyện có 288 trường hợp bệnh tại 24/24 xã, thị trấn.
Theo thống kê, toàn huyện Đông Anh hiện có 26 ổ dịch tay chân miệng, trong đó có 12 ổ dịch tại cộng đồng, 10 ổ dịch tại trường học và 4 ổ dịch kết hợp cộng đồng - trường học.
Để ngăn chặn dịch tay chân miệng lây lan trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh đã thực hiện các biện pháp truyền thông cho người dân, gồm: nói chuyện nhóm nhỏ, phát tờ rơi, thăm hộ gia đình, treo pa no, khẩu hiệu ...
Theo Bộ Y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hiện, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm virus thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt nặng nhất là trẻ dưới 3 tuổi, tăng cao vào các tháng 9, 10, 11, là thời điểm mà học sinh nhập học.
Huyện Đông Anh phát hiện 26 ổ dịch tay chân miệng |
Dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh là các sẩn da dạng bóng nước ở tay, bàn chân, mông, gối, khuỷu tay và những vết loét ở miệng, kèm theo đó là sốt, đau họng. Bệnh lây trực tiếp qua đường tiêu hóa, tức là từ phân của trẻ nhiễm bệnh. Nếu người chăm sóc không vệ sinh sạch sẽ cho trẻ nhiễm bệnh sau khi bé đi vệ sinh hoặc không rửa tay sau khi làm vệ sinh cho trẻ mà đi bế hay tiếp xúc với một trẻ khác thì rất dễ lây truyền virus cho trẻ. Như vậy, bàn tay người chăm sóc là khâu trung gian rất dễ làm lây nhiễm bệnh tay chân miệng nếu như người chăm sóc không rửa tay bằng xà phòng sau khi bế một trẻ nhiễm bệnh. Hoặc các trẻ trong cùng một lớp dùng chung đồ chơi, đồ dùng bị nhiễm virus mà không được lau rửa sạch sẽ cũng rất dễ nhiễm bệnh.
Giai đoạn vỡ bóng nước trong miệng trẻ bị tay chân miệng là lúc mà bé khó chịu nhất. Bóng nước bị vỡ gây đau đớn khiến trẻ không ăn được nên phụ huynh cần kiên trì, cho trẻ uống thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ, cho uống nước chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày để trẻ quen dần, sau đó cho uống sữa và ăn các loại thức ăn lỏng, dễ nuốt.
Bệnh tay chân miệng có 4 độ từ nhẹ đến nặng. Ở độ 1, trẻ có thể chỉ bị loét miệng, có một số bóng nước, sẽ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà, theo dõi dấu hiệu của trẻ. Từ độ 2 trở lên, bác sĩ sẽ yêu cầu gia đình cho trẻ nhập viện để điều trị. Khi trẻ mắc bệnh ở độ 2 có kèm theo sốt kéo dài trên 2 ngày, giật mình nhiều lần trong ngày, ói, khó thở.
Bệnh tay chân miệng nếu không có biến chứng có thể khỏi bệnh sau khoảng từ 5-7 ngày điều trị. Trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng có biến chứng cần được bác sĩ theo dõi sát sao để có phác đồ điều trị phù hợp, tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, cách tốt nhất để phòng bệnh là các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chạm vào những vết loét, bóng nước của người bị bệnh, rửa tay trước khi chuẩn bị đồ ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã, bỉm cho trẻ hoặc sau khi bế một đứa trẻ bị bệnh.
Bên cạnh đó, ở gia đình và nhà trường cần lau sạch bề mặt và đồ chơi có nguy cơ bị nhiễm mầm bệnh bằng xà phòng, tránh tiếp xúc gần như ôm hôn, dùng chung muỗng, nĩa, chén với người bị bệnh; không cho trẻ đi học, hoặc đến các nơi vui chơi, tập trung của các trẻ nhỏ cho đến khi trẻ hết bệnh hoàn toàn; dạy trẻ cách rửa tay bằng xà phòng đúng cách, đi vệ sinh đúng nơi quy định, che mũi, miệng khi ho, hắt hơi…