Học Bác về ý chí tự lực, tự cường: Tiền đề của độc lập, động lực của phồn vinh
Từ bài học tự lực, tự cường của cách mạng Việt Nam
Trong quá trình tìm đường cứu nước cũng như lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, tự lực cánh sinh và coi đó là phương châm hành động của cách mạng Việt Nam.
Thực tế đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng: Công cuộc giải phóng phải là công cuộc “tự giải phóng” chứ không thể trông chờ vào thiện chí hay sự bố thí, rộng lượng của những kẻ cướp nước. Vì thế, lên án chủ nghĩa thực dân bao nhiêu thì Người cũng quyết liệt bấy nhiêu trong việc kêu gọi Nhân dân các dân tộc bị áp bức tiến hành cuộc đấu tranh tự giải phóng: “Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tinh thần tự lực tự cường của dân tộc phải được xây đắp bằng ý chí tự lực tự cường, tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân (Ảnh tư liệu) |
Trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm hoạt động quốc tế, Người luôn nhấn mạnh: Việc giải phóng của ta phải do ta tự làm lấy chứ không thể trông mong vào lực lượng bên ngoài; “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi vào tháng 8/ 1945, Người đã kêu gọi đồng bào “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Sức mạnh như “triều dâng, thác đổ” của tinh thần dân tự giải phóng đã mang lại nền độc lập thiêng liêng cho Tổ quốc.
Sau khi đã giành được chính quyền, với vị thế của một nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm mọi cách để duy trì sự độc lập, tự chủ của Nhân dân Việt Nam. Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”, kể cả sự can thiệp của các đồng minh. Khi động viên toàn dân tích cực tham gia và ủng hộ kháng chiến vì nền độc lập thiêng liêng của Tổ quốc, Người nói rõ: “Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường, mới tự do”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tinh thần tự lực tự cường của dân tộc phải được xây đắp bằng ý chí tự lực tự cường, tự lực cánh sinh của mỗi cá nhân. Được tự chủ, làm chủ cuộc đời là hạnh phúc lớn nhất nên khi chế độ dân chủ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Nhân dân: Dân chủ không có nghĩa là muốn ăn bao nhiêu thì ăn, muốn làm bao nhiêu thì làm mà phải có tinh thần chủ động khắc phục khó khăn.
Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, miền Nam chưa được giải phóng thì tinh thần tự lực, tự cường càng cần phải phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cứ chờ Đảng và chờ Chính phủ giúp đỡ, thì không đúng đâu. Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, phái cán bộ về hướng dẫn, thế là giúp đỡ. Nhưng đó là phụ. Lực lượng Nhân dân tổ chức nhau lại là chính. Không nên ỷ lại, mà phải tự lực cánh sinh”.
Người yêu cầu tinh thần này phải được lan tỏa và trở thành ý thức tự giác trong mọi tầng lớp Nhân dân. Bộ đội phải coi tăng gia sản xuất cũng là một bộ phận trong chính sách tự lực cánh sinh; Các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ mặc dù nhận được sự giúp đỡ của Nhân dân, sự ưu tiên của Chính phủ, cũng “cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”...
Đến động lực phát triển đất nước
Đại hội XIII của Đảng đã coi phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước hiện nay. Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Đồng thời chỉ rõ: “Động lực và nguồn động lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, độc lập, tự cường và bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của chúng ta.
Quả thật vậy, trước những vô vàn khó khăn, thách thức từ những ngày đầu thành lập nước; Sự tàn phá nặng nề của các cuộc chiến tranh; Những tác động to lớn của tình hình thế giới, khu vực, Việt Nam vẫn và đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng phát triển kinh tế của khu vực cũng như trên thế giới với những thành tựu nổi bật, thể hiện rõ cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế.
Đặc biệt, dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta đạt được những kết quả đó là do biết tận dụng tốt các cơ hội, khơi dậy trong Nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ. Mọi thành quả đạt được trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến đối ngoại, quốc phòng và an ninh, là thành quả và quyết tâm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp cũng như nỗ lực của gần 100 triệu người dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những thời cơ và vận hội mới, cho nên mỗi người dân Việt Nam đều có trách nhiệm làm cho Việt Nam trở nên hùng cường và biến những ước mơ, khát vọng trở thành hiện thực.
Bà Nguyễn Thu Phương (đảng viên phường Thanh Xuân Bắc) chia sẻ: "Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thế giới rất phức tạp vừa hợp tác, vừa đấu tranh với sự cạnh tranh gay gắt trong các mối quan hệ quốc tế. Để biến khát vọng của đất nước thành hành động, cần chú trọng kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, luôn luôn nhất quán coi nội lực là yếu tố quyết định, ngoại lực là yếu tố quan trọng. Nhận thức đó phải biến thành hành động cách mạng, phải đi vào cuộc sống".
Trong tình hình hiện nay, mỗi đảng viên cần tiếp tục thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn để tăng cường sức mạnh tổng hợp, tạo ra thế và lực từ nội tại của tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các ngành, các cấp. Chỉ có như thế, đất nước ta mới tiến nhanh và bền vững trên con đường chủ nghĩa xã hội.