Hoạt động công đoàn của một số quốc gia trên thế giới

Công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) là cơ quan duy nhất nắm giữ vai trò lãnh đạo tổ chức này với 98% thành viên thuộc các công đoàn trực thuộc. NTUC là một tổ chức góp phần quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Singapore.

Singapore

NTUC là trung tâm công đoàn quốc gia duy nhất đại diện cho hơn 900.000 đoàn viên trong các ngành nghề, gồm 58 công đoàn thành viên. Công đoàn thống nhất với Chính phủ, doanh nghiệp đưa ra một khuôn khổ, hành lang pháp lý để quản lý những mối quan hệ lao động với các quy định, chế tài rõ ràng, công khai, minh bạch, trong đó các bên đều phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tuân thủ thực hiện nghiêm túc.

Công đoàn quốc gia Singapore là thành viên của Hội đồng năng suất quốc gia, là bộ phận cấu thành quan trọng không thể thiếu của phong trào “Tăng năng suất”. Trong đó, công đoàn đã triển khai điều phối và tổ chức các hoạt động thường xuyên như khuyến khích đoàn viên, người lao động với các hoạt động đề xuất, cải tiến công việc, tiết kiệm thời gian, chi phí và cố gắng đạt độ hư hỏng ở mức bằng không. Hoạt động công đoàn luôn hướng đến tạo dựng bầu không khí đoàn kết, hăng hái để làm việc tốt hơn và rẻ hơn.

Hoạt động công đoàn của một số quốc gia trên thế giới
Singapore đã tạo dựng được mô hình kiểu mẫu hợp tác giữa công đoàn, nhà nước, doanh nghiệp (Ảnh: Reuters)

Bên cạnh đó, công đoàn Singapore duy trì mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, cộng sinh với Chính phủ và trên thực tế đã có cơ chế trao đổi, chỉ định, biệt phái, bổ sung cán bộ công đoàn tham gia công tác tại cơ quan của chính phủ, nghị viện, doanh nghiệp. Chính phủ khuyến khích NTUC nhận các nghị sĩ đến làm việc toàn thời gian với các công đoàn và chỉ định những nghị sĩ làm cố vấn cho các công đoàn, đưa các vấn đề của người lao động và công đoàn vào nghị viện. Đồng thời, nhiều cán bộ kinh qua hoạt động công đoàn tham gia vào công tác quản lý nhà nước, điều hành doanh nghiệp. Những bổ sung như vậy vào nguồn nhân lực của công đoàn tạo nên một sự khác biệt về chất lượng.

Mặt khác, công đoàn Singapore kiến lập niềm tin, tạo sự tín nhiệm và lòng tin cậy để thu hút đoàn viên, bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên và tương lai của họ; kiến tạo sự tương đồng trong mục đích giữa công đoàn với chính phủ, doanh nghiệp để tạo sự hấp dẫn đầu tư, đồng thời tạo sự tương hỗ trong quyền lợi giữa người lao động với người sử dụng lao động; tổ chức vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động nhằm tạo ra bầu không khí làm việc tích cực để vun đắp mối liên kết ổn định trong doanh nghiệp và triệt để tuân thủ các quy định tại nơi công cộng.

Nhật Bản

Ở Nhật Bản, Tổng Công đoàn Nhật Bản (JTUC-RENGO) là trung tâm công đoàn quốc gia lớn nhất, chiếm đa số đoàn viên. JTUC-RENGO đại diện tham gia trong các cơ chế đối thoại quốc gia, tham gia Hội đồng Quản trị của Tổ chức Lao động Quốc tế và tham gia các diễn đàn lớn như Hội nghị Lao động Quốc tế.

Hoạt động công đoàn của một số quốc gia trên thế giới
Một nhân viên làm việc trên dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy Kawasaki của Mitsubishi Fuso Truck and Bus Corp, Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Quy định về tổ chức Công đoàn đại diện thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp cho thấy sức mạnh của công đoàn thể hiện ở số lượng đoàn viên. Đoàn viên càng nhiều thì khả năng đại diện càng cao. Vai trò đại diện càng cao thì công đoàn càng có thêm động lực phát triển đoàn viên và thu hút được càng nhiều người lao động.

Sức mạnh của tổ chức Công đoàn thể hiện ở số lượng đoàn viên. Việc củng cố nội bộ tổ chức là rất quan trọng. Một khi công đoàn có sức mạnh nội tại, có khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng và phù hợp với nguyện vọng của người lao động thì không có bất cứ khó khăn, thử thách nào đáng lo ngại. Vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi nhận thức của người lao động về tổ chức Công đoàn và quan điểm về phúc lợi mang tính phổ quát cho đoàn viên.

Thuỵ Điển

Thụy Điển là quốc gia có tổ chức nên hầu như người lao động hay bất kỳ ai cũng tham gia vào tổ chức hay nghiệp đoàn nào đó. Còn doanh nghiệp thì tạo điều kiện cho người lao động thành lập nghiệp đoàn hay công đoàn. Mục tiêu chung là xây dựng xã hội dân chủ, công bằng và môi trường lao động tốt, mọi người đều được có quyền làm việc và lao động, xây dựng quy chế tiền lương và điều kiện lao động công bằng.

Quan hệ lao động tốt là phải có thỏa ước lao động tập thể và các bên phải tôn trọng lẫn nhau. Từ năm 1936, để giải quyết tranh chấp giữa chủ và thợ trong xí nghiệp tư doanh, Liên minh Lao động tức công đoàn và Liên minh giới chủ đã ký “Thỏa thuận Saltsjobaden” quy định trình tự, cơ cấu giải quyết tranh chấp giữa chủ - thợ và hạn chế đặc quyền quản lý của chủ xí nghiệp. Thỏa thuận trên được coi là bước ngoặt trong quan hệ chủ - thợ ở Thụy Điển, mở ra thời đại mới phối hợp và hợp tác giữa hai bên, có vai trò quan trọng để Thụy Điển ổn định xã hội và phát triển kinh tế từ đó về sau.

Hoạt động công đoàn của một số quốc gia trên thế giới
Mô hình công đoàn Thụy Điển nổi tiếng toàn cầu là một thỏa thuận đạt được giữa doanh nghiệp và người lao động (Ảnh: Sofia Sabel)

Đến năm 1976, Thụy Điển lại thông qua “Luật cùng giải quyết đời sống lao động”, xóa bỏ điều 32 của Điều lệ Liên minh giới chủ, tức từ giới chủ một mình quyết định vấn đề trước đây thành chủ và thợ cùng quyết định. Công đoàn có quyền tham gia những vấn đề trước đây do phía chủ quyết định, như chiến lược đầu tư, sản xuất...

Mô hình Thụy Điển nổi tiếng toàn cầu chính là một thỏa thuận đạt được giữa doanh nghiệp và người lao động vào năm 1938. Công đoàn và các tổ chức nghiệp đoàn của người lao động theo đó mà hình thành. Hai nhóm chủ thể trong thị trường lao động tự thỏa thuận mà không cần nhà nước tham gia hay can thiệp. Ý tưởng cốt lõi là các bên tham gia, doanh nghiệp và người lao động thông qua phối hợp và thương lượng đã đạt đến thỏa thuận chung. Đồng thuận không có nghĩa là các chủ thể luôn đồng ý với nhau nhưng thông qua quá trình thương lượng hòa bình, họ đạt được thỏa thuận chung mà cả hai bên có thể ký kết và đồng ý.

Theo Tổng Công đoàn Thụy Điển (LO), luật pháp nước này hỗ trợ hoạt động công đoàn và bảo vệ cán bộ công đoàn cơ sở. Luật về cơ chế đồng quyết định tại nơi làm việc bảo đảm sự tham gia của CĐCS đối với các quyết định của người sử dụng lao động tại nơi làm việc; bắt buộc người sử dụng lao động phải thông tin và đàm phán với công đoàn cơ sở trước khi đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, luật về cán bộ công đoàn cơ sở bảo vệ cán bộ CĐCS được bầu khỏi sự khiển trách và đe dọa của người sử dụng lao động.

Tụê Uyên
Tags:
Phiên bản di động