Hỗ trợ phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản
Các nữ chiến sỹ công binh hỗ trợ phát triển nông nghiệp ở Abyei |
Tỉ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em vẫn cao gấp 3-4 lần so với khu vực đồng bằng
Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ CĐTB do Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc và tổ chức UNICEF đồng tổ chức diễn ra với sự tham dự của hơn 200 đại biểu là đại diện từ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các Bộ, ban, ngành đoàn thể trung ương, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân, đại diện Ngành Y tế, dân tộc một số tỉnh, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2022 Nông Thúy Hằng, MC Minh Trang và đặc biệt có sự tham gia của 30 cô đỡ thôn, bản đại diện cho hơn 3.000 cô đỡ trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị |
Khai mạc Hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu nhấn mạnh: Mặc dù những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, của cấp ủy và chính quyền các cấp cũng như của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của ngành Y tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Tỉ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam vẫn đang gặp những thách thức trong việc giảm sự chênh lệch đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc.
Việc chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Ở miền núi, tử vong mẹ, tử vong trẻ em vẫn cao gấp 3-4 lần so với khu vực đồng bằng và đặc biệt, ở một số đồng bào dân tộc thiểu số có thể cao gấp 7 lần ở người Kinh.
Kể từ khi những cô đỡ đầu tiên được đào tạo cách đây hơn 30 năm, đến hiện tại đã có 1.549 CĐTB được đào tạo hiện đang hoạt động trong tổng số 5.111 thôn bản đặc biệt khó khăn (chiếm 30,31%).
Các cô đỡ đang ngày đêm vượt mọi khó khăn, gian khổ, đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu; tích cực tham gia quản lý thai, tư vấn giáo dục sức khoẻ, vận động sản phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã, phát hiện thai nghén có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời...
Tính riêng trong năm 2019, CĐTB đã trực tiếp khám thai cho khoảng 42.400 sản phụ và vận động thành công hơn 5.000 sản phụ sinh con tại các cơ sở y tế.
Việc duy trì hoạt động của cô đỡ thôn bản còn nhiều khó khăn
Tính đến nay, hơn 1.500 CĐTB đã được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động và chỉ có 911 trong số các cô đỡ đang làm việc và được nhận phụ cấp hàng tháng.
Một vài lý do có thể kể đến như, không được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, không được gia đình ủng hộ, không được đảm bảo đầy đủ trang bị đầy đủ thiết bị, vật tư y tế để thực hiện công việc.
Hội nghị có sự góp mặt của 30 cô đỡ thôn bản tiêu biểu trên toàn quốc |
Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng để duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ CĐTB nhưng việc thực thi các chính sách còn có sự khác nhau giữa các địa phương, dẫn tới việc duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho CĐTB hoạt động.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 31/1/2023 đã có 1.528 CĐTB được đào tạo nhưng đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người; Trong đó, 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản.
Toàn cảnh hội nghị |
Ông Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: "Theo số liệu điều tra thống kê thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019 cho thấy, 23,8% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con thứ 3 trở lên, bình quân 1 phụ nữ sinh 2,35 con, cao hơn mức bình quân của cả nước là 2,09 con, cá biệt có 5 DTTS có mức sinh cao nhất là Mảng (4,97 con/phụ nữ), Chứt (3,82 con/phụ nữ), Cơ lao (3,71 con/phụ nữ), La Hủ (3,68 con/phụ nữ), Mông (3,57 con/phụ nữ).
Còn khoảng 12% phụ nữ mang thai không đến các cơ sở y tế khám thai lần thứ nhất; tỷ lệ này rất cao ở dân tộc La Hủ 54,7%, La ha 36,5%, Mảng 34,1%; Vẫn còn 13,6% phụ nữ DTTS không sinh con tại cơ sở y tế, 3,9% sinh con tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ, 9,5% sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ; một số dân tộc như Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%".
Đáng buồn là tỷ suất chết trẻ em dân tộc thiểu số dưới 01 tuổi 2,2% (cá biệt dân tộc La Hủ 6,6%, dân tộc Lự 5,9%, dân tộc Si La 5,1%...).
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn 16,5% trạm y tế chưa đạt chuẩn quốc gia; gần 1/5 trạm y tế chưa có bác sỹ, số nhân viên nữ hộ sinh chỉ chiếm 15,1%; 16,5% thôn chưa có nhân viên y tế thôn bản.
"Ủy ban Dân tộc ghi nhận những công lao to lớn của đội ngũ các CĐTB, đã ngày đêm không quản nắng mưa, "vác tù và hàng tổng", đi từng ngõ, gặp từng nhà, tuyên truyền vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình mang thai, sinh nở, chăm sóc trẻ em.
Công sức của đội ngũ CĐTB đã giúp các thai phụ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, hạn chế tai biến không đáng có, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong mẹ, trẻ em", ông Y Thông nói.
Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Dân tộc và các bộ ngành trung ương trong việc kiểm tra, rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đối với đội ngũ CĐTB.
Đồng thời, Uỷ ban Dân tộc đề nghị cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở các cấp vùng dân tộc thiểu số và miền núi xác định rõ vai trò, vị trí của CĐTB; Quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CĐTB.