Hà Nội: Nắng nóng khiến hai người tử vong, một người nguy kịch
BS Nguyễn Thị Nga, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện 108 cho biết, chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6, khoa này đã tiếp nhận 3 bệnh nhân vào với các triệu chứng: hôn mê sâu, sốt cao trên 40o, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng.
Các bệnh nhân trên đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ. Khi có biểu hiện choáng ngất và hôn mê, được đưa vào viện đã trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan nghiêm trọng.
Nắng nóng khiến hai người tử vong, một người nguy kịch |
Mặc dù đã được cấp cứu điều trị tích cực bằng hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục… tuy nhiên 2 trường hợp đã tử vong.
Trường hợp còn lại là bệnh nhân nữ 50 tuổi, lao động tự do, được chuyển vào viện ngày 22/6 vừa qua trong tình trạng hôn mê sâu, nhiệt độ cơ thể lên 42 độ, suy đa tạng, đã lọc máu và điều trị tích cực. Hiện tại, nhiệt độ cơ thể đã về bình thường nhưng vẫn rất nguy kịch, hôn mê do tổn thương thần kinh.
Dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt
Theo BS Nga, thời gian này, cả nước đang trải qua một đợt nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40 độ C. Điều kiện thời tiết khắc nhiệt rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.
Nhóm có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư..., những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, bộ đội huấn luyện ngoài thao trường...
Triệu chứng của sốc nhiệt bao gồm ra nhiều mồ hôi, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất.
Khi gặp người bị sốc nhiệt, cần thực hiện các bước sơ cứu: Đưa nạn nhân vào bóng râm, cởi bớt quần áo, tưới nước mát hoặc nước hơi ấm lên người nạn nhân. Quạt để thúc đẩy ra mồ hôi và bốc hơi, đặt túi chườm đá ở nách và bẹn.
Nếu nạn nhân còn tỉnh táo và có thể uống, hãy cho uống nước mát hoặc nước lạnh không chứa cồn và cafein.
Theo dõi thân nhiệt của nạn nhân thường xuyên, liên tục làm mát cho đến khi nhiệt độ giảm xuống còn khoảng 38,3 - 38,8 độ C.
Gọi cấp cứu nếu có thể. Nếu dịch vụ cấp cứu ở xa hay không đến ngay lập tức được có thể hỏi các nhân viên y tế cách cấp cứu nạn nhân.
Tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) nếu người bệnh mất ý thức và không thấy có dấu hiệu tuần hoàn như tự thở, ho và cử động.
Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng cao độ |
Cách phòng sốc nhiệt tốt nhất khi chỉ số nhiệt cao là nên ở trong môi trường điều hòa, nơi râm mát. Nếu phải đi ra ngoài, có thể dự phòng sốc nhiệt bằng mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu; đội một chiếc mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng. Uống nhiều nước để tránh mất nước, mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, thêm nước trái cây, hoặc nước rau luộc...
Bên cạnh đó, mọi người cần tránh chất lỏng có cafein hoặc cồn, bởi cả hai chất này có thể khiến bạn mất nhiều dịch hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt. Không uống nước chứa muối khi không có chỉ định của bác sĩ. Cách dễ và an toàn nhất để tăng cường muối và các chất điện giải khác trong đợt nóng là sử dụng đồ uống dành cho vận động viên thể thao và các loại nước trái cây.