Hà Nội: Chủ tịch xã, phường phải giải trình do để tồn đọng trong công tác TTXD

Sáng 25/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.
ha noi chu tich xa phuong phai giai trinh do de ton dong trong cong tac ttxd

Đáng chú ý, dự phiên giải trình có nhiều Chủ tịch UBND các phường, xã còn tồn động các vấn đề chưa được xử lý triệt để.

Tham dự buổi họp có đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; bà Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường Trực Thành ủy; ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; ông Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã dự phiên giải trình.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP và bà Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch HĐND TP chủ trì phiên giải trình.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý trật tự xây dựng được thành phố xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Đây cũng là nội dung được HĐND TP quan tâm giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại các kỳ họp thứ 3, 4, 5 HĐND thành phố khóa XV.

Sau chất vấn của HĐND, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Đến nay, nhiều công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm. Qua đó, các vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, nổi cộm, gây bức xức dư luận đã dần được hạn chế; Các vi phạm tồn đọng đã được rà soát, phân loại, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý, giải quyết; Ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động xây dựng của người dân và tổ chức dần được nâng cao.

Số liệu qua theo dõi báo cáo cho thấy, tỷ lệ công trình có phép tăng qua từng năm, năm 2016 là 95,61%; 2017 là 95,61% và năm 2018 là 97,90%; Tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm qua từng năm (năm 2016 là 2.469 trường hợp chiếm 13,5%; năm 2017 là 1.916 trường hợp chiếm 10,99% và năm 2018 là 1.065 trường hợp chiếm 5,22%).

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề hạn chế nảy sinh phải tập trung giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô.

Đó là công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu đô thị hóa cao; công tác quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng có mặt còn hạn chế, yếu kém; những vi phạm về quản lý quy hoạch như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được duyệt vẫn còn gây bức xúc trong dư luận và tiến độ xử lý còn chậm.

Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý giải quyết kịp thời triệt để...

Trên địa bàn thành phố vẫn còn một số công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ chưa được giải quyết, bên cạnh đó tiếp tục phát sinh thêm các thửa đất, công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan chung của Thành phố.

Bên cạnh đó, những tồn tại về trật tự xây dựng, nội dung này nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; được nhiều cơ quan thông tấn báo chí phản ánh.

Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh: "Thông qua giải trình, chúng ta sẽ làm rõ những tồn tại trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng trong thời gian vừa qua, từ đó xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để đưa ra những giải pháp, biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới".

Duy Tân
Phiên bản di động