Gió giật cấp 9 ở Bạch Long Vĩ, bão số 2 còn cách đất liền 180km

Bão số 2 đã vào vịnh Bắc Bộ với sức gió giật trên cấp 10. Ở trạm Bạch Long Vĩ và trạm Cô Tô đã quan trắc được gió giật mạnh cấp 9, ở trạm Văn Lý (Nam Định) và trạm Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 8, thông tin mới nhất từ trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia cho biết.
Hủy nhiều chuyến bay đến Hải Phòng do bão số 2 Ứng phó khẩn cấp bão số 2: Nhiều tỉnh cấm biển, di dân, chống ngập úng đô thị Dự báo bão đổ bộ trực tiếp, Hải Phòng thành lập 7 đoàn kiểm tra từ 3/7

Hồi 19 giờ ngày 03/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 107,6 độ Kinh Đông, cách huyện đảo Bạch Long Vĩ khoảng 80km về phía Nam, cách đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định khoảng 180km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ tâm bão.

gio giat cap 9 o bach long vi bao so 2 con cach dat lien 180km
Hình ảnh mây vệ tinh

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực trung du và vùng núi Bắc Bộ. Đến 19 giờ ngày 04/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

gio giat cap 9 o bach long vi bao so 2 con cach dat lien 180km
Đường đi và vị trí tâm bão

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.

Ở khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa tối nay (03/7) có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; từ đêm nay đến sáng mai (04/7) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.

Từ nay cho đến chiều mai (04/7), ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm mai mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Từ đêm nay đến sáng 05/7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc Bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ).

Hiện ở khu vực tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa trong 4 giờ vừa qua (từ 17-21h) tại Tĩnh Gia 145,4mm, Mai Lâm (Thanh Hóa) 135,6mm; Hoàng Mai 215,7mm, Nông Trường 3/2 122,3mm, Đông Hiếu 103,6mm, Quỳ Châu 99,1mm Quỳ Hợp (Nghệ An) 92,7mm.

Trong khoảng từ 1-3 giờ tới, khu vực tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục còn mưa to, có nơi mưa rất to với lượng từ 50-100mm, có nơi trên 100mm; mưa sẽ lan rộng ra khu vực phía bắc Nghệ An, Thanh Hóa. Với tình hình mưa lớn này, ngập lụt cục bộ xảy ra tại các huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn (Nghệ An). Nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao tại huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp (Nghệ An).

Khu vực Hà Nội: Từ đêm nay có mưa, gần sáng và và ngày mai (04/7) có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Phó Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 2

Chiều 3/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã ký Công điện số 06/CĐ-TW gửi các tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) về ứng phó khẩn cấp với bão số 2.

Công điện nhấn mạnh, bão số 2 là cơn bão đầu mùa, dự báo tiếp tục gây mưa lớn tại các địa phương vừa qua đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Để hạn chế thiệt hại, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là hướng dẫn tàu thuyền di chuyển, trú tránh bão, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Chủ động sơ tán, di dời dân khỏi những khu vực nguy hiểm. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động sản xuất. Sẵn sàng nhân lực, vật tư để ứng cứu khi có yêu cầu…

Huyền My
Phiên bản di động