Giáo dục kỹ năng sống: Làm sao để học sinh không bị xâm hại?

Trước tình trạng học sinh bị xâm hại ngày càng gia tăng, việc xây dựng những kỹ năng nhận biết, phòng tránh, phản kháng lại các đối tượng xấu cho trẻ em được phụ huynh hết sức quan tâm.
giao duc ky nang song lam sao de hoc sinh khong bi xam hai

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), căn cứ điều kiện của nhà trường, thực tế của địa phương và đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, khả năng, nhu cầu của học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tránh việc tổ chức hình thức, quá tải, khiên cưỡng; không gây áp lực, không ép buộc học sinh tham gia.

Bộ GD&ĐT cũng quy định nội dung giáo dục kỹ năng sống phải phù hợp với từng lứa tuổi và tiếp tục được rèn luyện theo mức độ tăng dần. Đối với từng nhóm đối tượng, việc giáo dục kỹ năng sống cần tập trung vào những nội dung cụ thể.

Đối với trẻ mầm non, cần giúp trẻ nhận thức về bản thân như sự tự tin, tự lực, thực hiện những quy tắc an toàn thông thường, biết làm một số việc đơn giản; hình thành và phát triển các kỹ năng xã hội cần thiết: thể hiện tình cảm, sự chia sẻ, hợp tác, kiên trì, vượt khó; hình thành một số kỹ năng ứng xử phù hợp với gia đình, cộng đồng, bạn bè và môi trường.

Cần chú trọng nội dung chống xâm hại vào chương trình giáo dục kỹ năng sống

Cần chú trọng nội dung chống xâm hại vào chương trình giáo dục kỹ năng sống

Đối với học sinh tiểu học, tiếp tục rèn luyện những kỹ năng đã được học ở mầm non, tập trung hình thành cho học sinh kỹ năng giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè; kỹ năng xây dựng tình bạn đẹp; kỹ năng kiên trì trong học tập; kỹ năng đúng giờ và làm việc theo yêu cầu, kỹ năng đồng cảm,... tạo tiền đề cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất, học vấn và năng lực của học sinh.

Đối với học sinh trung học và học viên giáo dục thường xuyên cấp THCS và cấp THPT, tiếp tục rèn luyện những kỹ năng đã được học ở tiểu học, tập trung giáo dục những kỹ năng sống cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực cho người học như: kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và hợp tác, kỹ năng tự nhận thức và cảm thông, kỹ năng quản lý cảm xúc và đương đầu với áp lực, kỹ năng tự học.

Cần có nhiều hơn nữa những khóa tập huấn kỹ năng sống như thế này

Cần có nhiều hơn nữa những khóa tập huấn kỹ năng sống như thế này

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, định hướng về giáo dục kỹ năng sống ở từng độ tuổi cần mở rộng hơn nữa, đặc biệt là về kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi bị xâm hại. Bên cạnh nhà trường, chính phụ huynh cũng phải tự dạy cho con em mình.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều phụ huynh không nghĩ rằng việc dạy kỹ năng phòng chống xâm hại cần lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo phản xạ. Một số phụ huynh bây giờ chỉ học theo tâm lý phong trào, rồi tự hào mình đi đúng hướng.

Cha mẹ có thể dạy con một số kỹ năng tự bảo vệ mình

Cha mẹ có thể dạy con một số kỹ năng tự bảo vệ mình

Cụ thể, cha mẹ cần dạy con từ 3 tuổi về cách phòng chống xâm hại tình dục theo khả năng tiếp nhận của trẻ. Các nội dung cần dạy là con muốn ra khỏi nhà cần xin phép người lớn. Cha mẹ nhờ ai đón hộ nên có “mật mã” để trao đổi với trẻ, tránh bắt cóc, hay việc dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ. Nếu ai ngỏ ý nhờ giúp đỡ, trẻ phải chạy đi báo người lớn, công an, cảnh sát vì bản thân không đủ khả năng làm việc này.

Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối...

Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an (nếu có) nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han.

Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.

Trên thực tế, người Việt Nam có thói quen xấu khi coi trẻ em như đồ chơi. Họ thường khoe, trêu ghẹo, cấu véo cơ thể của trẻ và coi đó là hành động bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, đây chính là xâm hại. Hành động này thường xuyên khiến trẻ không thể phân biệt tốt - xấu, nhầm lẫn là biểu hiện của tình yêu thương. Để bảo vệ con tốt hơn, phụ huynh cần thay đổi thói quen này.

Hà An
Phiên bản di động