Giảm dùng sản phẩm nhựa nơi công sở: Hành động nhỏ, lợi ích lớn
Dám thay đổi để môi trường tốt hơn
Tại Lễ khai mạc kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục huyện Chương Mỹ tháng 10/2019, không còn những chai nhựa đầy trên mặt bàn thay vào đó là những chai thủy tinh đựng nước trong suốt, bắt mắt, dễ dàng sử dụng. Đây là một trong những sự thay đổi cho thấy sự hưởng ứng chung tay bảo vệ môi trường của ngành giáo dục nói riêng và toàn huyện Chương Mỹ nói chung.
Huyện Chương Mỹ đã thay chai nhựa bằng chai nước thủy tinh trong các cuộc họp, hội nghị… |
Huyện Chương Mỹ một trong những đơn vị có số cơ quan hành chính đơn vị sự nghiệp nhiều. Trung bình một ngày huyện thường có 4 - 6 hội nghị, chưa kể những buổi tiếp khách. Thời điểm trước đây việc sử dụng nước uống đóng chai được huyện dùng phổ biến.
Chị Nguyễn Thu Thủy, nhân viên văn phòng UBND huyện cho biết: Trước đây, văn phòng thường đặt sẵn các chai nước lên mặt bàn cho các đại biểu dự hội họp, lượng phát sinh vỏ nhựa từ các chai đó vì thế cũng lớn. Theo chị Thủy, một hội nghị trung bình có khoảng 50 người, mỗi người sử dụng 1 chai nước, điều này còn kéo theo tốn kém về kinh tế.
Khi đã thay thế huyện đã sử dụng nước uống trong chai thủy tinh, công việc chuẩn bị sẽ nhiều lên vì phải đun nước và đóng chai hàng ngày, sau đó phải vệ sinh chai nhưng lại tiết kiệm, an toàn và đặc biệt là không phát sinh rác thải nhựa hàng ngày.
Chia sẻ về việc thay đổi thói quen này, ông Trần Ngọc Thông - Chánh văn phòng UBND huyện Chương Mỹ cho biết: "Việc làm này trước tiên làm nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cũng như nhân viên các cơ quan đơn vị trong việc cùng chung tay bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả lớn trong việc thực hành tiết kiệm chống láng phí chống lãng phí. Đặc biệt từ cơ quan nơi làm việc mỗi cán bộ nhân viên lại tuyên truyền cho bà con hàng xóm và gia đình mình cùng thực hiện, vì thế kế hoạch của UBND thành phố đã có tác động lớn”.
Nhiều cơ quan đoàn thể của thành phố tổ chức trao tặng chai tinh cho người dân |
Không chỉ ở Chương Mỹ, tại nhiều phường, xã trên địa bàn Thủ đô cũng đã triển khai chủ trương hạn chế rác thải nhựa, tạo dựng thói quen sống xanh. Phường Đồng Mai, quận Hà Đông từ nhiều năm nay phường đã triển khai việc thực hiện các đồ dùng bằng thủy tinh thay thế cho đồ nhựa.
Là người thường xuyên sử dụng chai thủy tinh cho các hội nghị, chị Nguyễn Thị Lụa, cán bộ văn phòng phường Đồng Mai chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, phường đã không sử dụng các lọ nước dùng một lần, phường đã tạo dựng thói quen sử dụng nước đun sôi và đổ vào các bình thủy tinh cho các kỳ họp hay hội nghị của phường". Chị Lụa cũng cho biết thêm "điều ngại là trong quá trình sử dụng bình thủy tinh là dễ vỡ, nhất là khi dọn rửa với số lượng lớn, tuy nhiên việc này nếu cẩn thận sẽ không sao".
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, từ ngày 1/9/2019, các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố thực hiện kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.
Rèn nếp mới bằng thi đua khen thưởng
Các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến trở nên quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người. Sự ra đời của các sản phẩm từ nhựa và nilon mang lại các tiện ích, nhưng nó cũng chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Thực tế cho thấy mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó có khoảng 80 tấn nhựa và túi nilông, đây là thách thức lớn mà thành phố phải đối mặt.
Bên cạnh những đơn vị tích cực tham gia chủ trương không dùng đồ nhựa thì vẫn có nhiều cơ quan đơn vị việc sử dụng cho hoạt động hội họp hàng ngày vì thói quen, vì giá rẻ, vì "sang trọng" nên vẫn được sử dụng thường xuyên. Mua các thùng nước đóng chai với số lượng lớn, cùng với văn phòng phẩm để dễ thanh toán gần như là mô típ quen thuộc với nhiều cán bộ văn phòng.
Không phải đun nấu, không phải lau chùi, cọ rửa, dễ dàng dọn dẹp vì lẽ đó nhiều đơn vị vẫn giữ cách nếp cũ.
Tương tự như các hội nghị, tập huấn của công an quận Thanh Xuân việc sử dụng chai nhựa vẫn diễn ra và tương đối phổ biến. Không chỉ riêng những đơn vị này, hiện vẫn còn nhiều đơn vị của thành phố sử dụng các sản phẩm chai nhựa trong các hội nghị như thói quen khó bỏ.Như tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội theo quan sát của PV nhiều kỳ cuộc, hội nghị, tiếp khách của Sở này vẫn có sử dụng sản phẩm nước uống đóng chai nhựa, việc này được xem như đã thành thông lệ của đơn vị.
Trao đổi với PV, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội cho biết, hầu hết các đơn vị trên địa bàn thành phố đều đã tổ chức triển khai kế hoạch của thành phố, trong đó "lãnh đạo Công an thành phố cũng đã phối hợp với ngành tài nguyên môi trường ký cam kết thực hiện hạn chế rác thải nhựa". Tuy nhiên đến nay một số đơn vị không thực hiện thì các cơ quan đơn vị phải có kế hoạch để tuyên truyền vận động các đơn vị thuộc mình để triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của thành phố.
Ông Thái khẳng định: "Việc này sẽ là cơ sở để đánh giá công tác thi đua khen thưởng, nếu như các cơ quan hành chính nào không thực hiện hạn chế rác thải nhựa như cam kết, cơ quan đơn vị đó khi bị kiểm tra, sẽ mất thi đua khen thưởng cuối năm, thậm chí đảng ủy cấp đó cũng không được đánh giá trong sạch vững mạnh".
Việc triển khai kế hoạch cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa không chỉ thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mà còn thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo, sãn sàng thay đổi lề lối cũ để tạo ra những giá trị mới. Khi cán bộ và nhân dân thủ đô vào cuộc sẽ tạo chuyển biến đến các cơ quan đơn vị của trung ương trên địa bàn và dần lan tỏa ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Cắt giảm sử dụng các sản phẩm nhựa trong các cơ quan đơn vị, tuy là hành động nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn và có sức lan tỏa rộng, mỗi cán bộ và người dân thủ đô dần thay đổi nhận thức đến hành vi và quan tâm đến bảo vệ môi trường hơn, tất cả nhằm tạo nên một Hà Nội xanh sạch đẹp hơn.