Đừng đánh mất tuổi thơ của trẻ chỉ vì "không có thời gian”
Cánh diều tuổi thơ vút bay giữa lòng Thủ đô "Giáo dục đừng tham nhồi nhét, lấy đi tuổi thơ của trẻ" |
Vậy đâu mới là lúc trẻ được thoải mái vui chơi theo đúng lứa tuổi của mình?
1. Trẻ em có ít thời gian để chơi
Chương trình học là một trong những rào cản lớn khiến giáo viên ngần ngại áp dụng những trò chơi trên lớp. Theo biên chế số tiết của chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2020-2021 đối với trẻ lớp 1 là 875 tiết, bình quân mỗi tuần là 25 tiết (chưa kể số tiết tự chọn). Khối lượng kiến thức không nhỏ, thêm khả năng tập trung của trẻ chưa cao khiến giáo viên luôn phải chạy theo giáo án để bắt kịp bài vở. Bên cạnh đó, năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường học đóng cửa cho đến thời điểm 5/9 nên các bé mầm non không có nhiều thời gian để làm quen với sách vở, trường lớp. Vì thế, chương trình học lớp 1 lại càng là thử thách lớn cho cả học trò, thầy cô, lẫn các bậc phụ huynh.
Về phía gia đình, nhịp sống bận rộn khiến bố mẹ luôn trong tình trạng kiệt sức khi trở về nhà. Vì thế, khoảng thời gian dành cho con cũng bị cắt xén đi đáng kể. Chị Thanh Thúy (36 tuổi, Quận 7) tâm sự “Năm nay con lên lớp 1. Mình cũng muốn chơi với con lắm chứ. Nhưng đi làm cả ngày đã mệt, tối đến lo cơm nước, kèm con học bài xong là tới giờ đi ngủ. Thời gian đâu mà chơi với bời! Có giúp gì cho học đâu”. Hẳn đó cũng là nỗi niềm chung của không ít bậc phụ huynh ngày nay. Cả tuần tất bật, cuối tuần mới rảnh rỗi nghỉ ngơi, nên bố mẹ dễ dàng phó mặc con cho ông bà chăm coi, hay những thiết bị điện tử. Hòa mình vào thế giới của con có khi còn khó hơn nhiều so với việc bật Tivi hay mở iPad cho trẻ tự xem.
2. Chơi là cách tốt nhất để trẻ tiếp thu kiến thức
Nhiều người vẫn nghĩ chơi đùa là hoạt động vô bổ, chỉ mang lại niềm vui chứ không có nhiều giá trị về mặt kiến thức. Thay vì chơi đùa, phụ huynh và nhà trường thường tập trung tăng cường kiến thức cho trẻ qua các môn học như Toán, ngoại ngữ... Tuy nhiên, đối với trẻ, chơi không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn là cách học. Đặc biệt những năm đầu đời, chơi đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển, giúp trẻ tiếp thu những kỹ năng sống và khám phá thế giới xung quanh.
Thực chất, chơi không tốn nhiều thời gian như mọi người vẫn nghĩ. Trò chơi vận động 5 phút đầu giờ có thể giúp trẻ cảm thấy hào hứng, vui vẻ và chủ động học hỏi hơn. Bằng cách lồng ghép khéo léo những trò chơi, trẻ sẽ dễ hiểu bài, dễ dàng tiếp thu bài giảng hơn, đồng thời cũng không làm tăng “gánh nặng” bài vở cho các thầy cô giáo.
Bên cạnh đó, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Nếu bạn chơi cùng trẻ nhưng vẫn bị phân tâm bởi công việc, điện thoại sẽ mang lại những tác động tiêu cực. Giáo sư Pruett (Quỹ Family Peace - Australia) cho biết thời gian tối thiểu mỗi phụ huynh nên dành cho con là 8 phút. Nếu bố mẹ dành trọn tâm trí, ngồi xuống chơi cùng con, hỏi han con, trẻ sẽ cảm nhận được sự yêu thương và trở nên tự tin hơn. Đồng thời cũng là cơ hội để bạn quan sát trẻ, hiểu hơn tính cách cũng như sở thích của các bé.
3. Làm thế nào để chơi với trẻ một cách hiệu quả?
Giáo viên có thể thiết kế các tiết học của mình thành những giờ “chơi” đầy lý thú bằng cách liên hệ kiến thức với thực tế, bắt đầu giờ học bằng những trò chơi vận động, đặt câu hỏi... Hay thay vì học đếm những con số khô khan, hãy tận dụng những vật dụng có sẵn trong trường hoặc trong lớp như viên kẹo, hòn sỏi, lá cây để tiết học đếm trở nên thú vị hơn. Chơi các trò theo nhóm cũng là cách khuyến khích trẻ kết nối bạn bè, học cách thấu hiểu, lắng nghe và gắn kết với nhau hơn. Thông qua những trò chơi, trẻ dễ dàng tiếp thu những kiến thức sách vở tốt hơn, cảm thấy phấn chấn khi đến trường và luôn hào hứng với những kiến thức mới. Trẻ được chơi đủ sẽ vui hơn, khỏe hơn, sáng tạo hơn, nhớ bài lâu hơn…
Ngoài ra, khi ở nhà, bố mẹ cũng nên dành thời gian để chơi và trò chuyện cùng con. Buổi tối, bố mẹ có thể hỏi han con những chuyện đã trải qua trong ngày như “Hôm nay con được học những gì? Con chơi với bạn nào?...” Những câu hỏi quan tâm của bố mẹ sẽ giúp trẻ cởi mở, tự tin chia sẻ. Lúc chơi, bố mẹ nên trò chuyện vui vẻ cùng con, đặt cho con những câu hỏi để kích thích trẻ suy nghĩ, tìm cách giải quyết các vấn đề.
Dù cho trẻ chơi theo cách nào, ở trường hay ở nhà, thì bạn cũng cần cho trẻ được tự do chơi theo cách của trẻ, chủ động tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh. Bố mẹ, thầy cô chỉ nên hỗ trợ và đưa gợi ý cho trẻ khi cần thiết, thay vì đặt ra yêu cầu một chiều hay áp đặt mọi thứ.
Lời kết
Người lớn lầm tưởng rằng cho các con tham gia thật nhiều lớp, khóa học mới là cách để các con thành công và phát triển toàn diện. Nhưng thật ra, chơi cũng chính là một phần của sự học ở trẻ. Chúng ta phải thay đổi thái độ và hành vi, tạo cơ hội để trẻ được chơi nhiều hơn. Như thế, trẻ mới có thể thoải mái tiếp thu kiến thức, chủ động học thêm những kỹ năng mới trong cuộc sống!