Dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai: Không ai muốn bị “đắp chiếu”!

Bệnh viện Quốc tế Sao Mai, cao 19 tầng (1 tầng hầm, 18 tầng nổi, công suất thiết kế 450 giường, diện tích sử dụng 3,44ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.280 tỷ đồng do Sao Mai Group làm chủ đầu tư. Nhiều năm qua dự án này vẫn chưa thể khởi động vì những nguyên nhân khách quan mà nhà đầu tư hoàn toàn bị động.
Đại gia Hàn Quốc đề xuất dự án năng lượng sạch mô hình mới tại Việt Nam

Đối với dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai (xã Xuân Thịnh và Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chủ trương xây dựng của Tập đoàn Sao Mai là bệnh viện số hóa nên việc chọn lựa đối tác nước ngoài cung cấp máy móc trang thiết bị đạt chuẩn phù hợp là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng khám và điều trị cho bệnh nhân trong - ngoài nước và phát triển bệnh viện bền vững lâu dài.

Chính vì vậy, trong quá trình lựa chọn đối tác, có hai đơn vị nước ngoài là Siemens của Đức và Senhaku của Nhật Bản đã đề xuất hợp tác cung cấp máy móc, trang thiết bị y tế và đào tạo nhân sự vận hành bệnh viện.

Do chưa có sự thống nhất về giải pháp thiết kế, phương thức vận hành và tổng mức đầu tư của dự án nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho công trình nên Tập đoàn Sao Mai cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai: Không ai muốn bị “đắp chiếu”!
Phối cảnh dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai.

Sau đó, mặc dù Tập đoàn Sao Mai đã lựa chọn được Senhaku là “người đồng hành” trong việc cung cấp trang thiết bị y tế theo chuẩn công nghệ 4.0 (dự kiến tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng). Hai bên cũng đã thống nhất một số điều khoản và dự kiến sẽ tiến hành ký kết biên bản hợp tác (MOU).

Tuy nhiên, ngay khi ấy, dịch bệnh COVID-19 bùng phát dữ dội, lan rộng và kéo dài khiến nền kinh tế toàn cầu bị lôi vào vòng xoáy của cuộc chiến chống dịch, và đương nhiên việc hợp tác giữa Tập đoàn Sao Mai - Senhaku cũng bị “giãn cách xã hội” theo sóng đại dịch.

Hai bên gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển, thương thảo và thậm chí nhân sự của đối tác đã có sự thay đổi nên dẫn đến sự đình trệ của mối quan hệ.

Ngoài ra, về mặt khách quan, lãnh đạo chủ chốt tại địa phương đã có sự luân chuyển theo quy định. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, thủ tục hành chính cũng thay đổi gần như toàn bộ.

Nếu như trước kia, các văn bản pháp lý liên quan đến xây dựng, đầu tư, chính sách thuế đã được xét duyệt thì chỉ sau một thời gian ngắn gần như không còn hiệu lực, buộc nhà đầu tư phải chờ hoặc làm mới lại từ đầu.

Dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai: Không ai muốn bị “đắp chiếu”!
Hàng loạt nguyên nhân khách quan tác động khiến dự án Bệnh viên Quốc tế Sao Mai phải ngưng trệ

Chính vì những nguyên nhân trên đã khiến doanh nghiệp phải "xoắn óc" giữa vòng vây chuyền bóng của các cơ quan quản lý, đẩy dự án đến tình trạng "đắp chiếu" trong sự bất lực của nhà đầu tư.

Theo phân tích của giới chuyên môn, thời gian 24 tháng để thực hiện dự án là rất bất cập cho một dự án nghìn tỷ đồng, hàng nghìn dự án đều không thể vượt qua ngưỡng 24 tháng với thủ tục hành chính rườm rà như hiện nay.

Đồng thời, dịch bệnh kéo dài hơn 2 năm, gây ách tắc đi lại khiến mọi công việc bị đình trệ, đây là điều mà bất cứ chủ đầu tư nào cũng không hề mong muốn. Mặt khác, một dự án có yếu tố hợp tác với nước ngoài phải đàm phán với đối tác chiếm rất nhiều thời gian.

Những nguyên nhân trên đây, không chỉ có dự án Bệnh viện Quốc tế Sao Mai “không đắp chiếu cũng không được” mà hàng loạt dự án của các nhà đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực khác trên cả nước cũng rơi vào cảnh tương tự.

Theo phản ánh của giới kinh doanh, trong vòng 24 tháng là thời hạn để cho nhà đầu tư xin - lập - triển khai dự án thì quả là một khoảng thời gian vô cùng “cập rập”. Trong đó, riêng việc di chuyển và chờ văn bản trả lời từ một cơ quan cũng đã chiếm hơn 2/3 quỹ thời gian thì còn nói chi đến hàng trăm công việc không tên khó liệt kê.

Do vậy, rất khó trách bất cứ nhà đầu tư nào khi không đáp ứng được những yêu cầu thủ tục. Nên việc địa phương thu hồi một dự án là câu chuyện rất bình thường trong tình hình hiện nay cho dù không ai muốn điều đó.

Thành Nhân
Phiên bản di động