Đối tượng dùng gạch đá tấn công CSGT có thể đối mặt với tội danh nào?
Trong thời gian gần đây, liên tiếp xẩy ra các vụ chống đối, tấn công CSGT và gây hậu quả nghiêm trọng cho các cán bộ, chiến sỹ khi đang thi hành nhiệm vụ. Trên các phương tiện truyền thông, đã có nhiều ý kiến, phân tích vụ việc. Tất cả đều lên án, cảnh báo và không thể đồng tình với các hành vi này. Các đối tượng gây ra các vụ việc này sẽ phải đối mặt, hoặc đã bị truy tố, xử phạt theo các quy định tại Bộ Luật hình sự với chế tài rất nghiêm khắc.
Mới đây, vào tối 26/7, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 7 thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) kiểm tra xử lý vi phạm giao thông gần Trường Đại học an ninh trên tuyến đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn phường Văn Quán, quận Hà Đông. Khi thực hiện nhiệm vụ, dừng xe người vi phạm, Đại úy Mai Hồng Sơn đã bị người vi phạm giao thông cầm gạch tấn công, đập vào đầu gây chấn thương. Hiện anh đang được chữa trị tại bệnh viện Quân y 103.
Vụ việc trên đã một lần nữa cho thấy sự manh động của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông. khi sẵn sàng dùng hung khí gây thương tích cho CSGT đang thực thi nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.
Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Công ty luật Phúc Quang – Đoàn luật sư TP Hà Nội. |
Phân tích tính chất pháp lý về sự việc trên, Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Công ty luật Phúc Quang – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, về mặt luật pháp, đối tượng gây thương tích với đồng chí CSGT nói trên sẽ phải đối mặt với tội danh tại điều 134 Bộ Luật hình sự 2015 hiện hành.
Tóm tắt như sau: “Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:………
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: ..............
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.”.
Theo Luật sư Tâm, đối tượng nói trên khó tránh khỏi bị khởi tố, truy tố tội danh với nhiều tình tiết tăng nặng như: Chống người thi hành công vụ; Có tính chất côn đồ; gây thương tích vào vùng mặt...
Cũng theo vị Luật sư, mọi căn cứ để xác định tội danh, định khung hình phạt hoặc xử lý theo các quy định khác đều căn cứ vào kết luận điều tra của cơ quan chức năng, trong đó có giám định thương tích là căn cứ chính. Theo quy định điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cần thiết phải tạm giữ đối tượng này để điều tra, vì đã phạm tội quả tang và gây hậu quả trực tiếp cho nạn nhân.
"Trước thực trạng đáng báo động nói trên, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng coi thường tính mạng của người khác, sẵn sàng vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi chống đối người thi hành công vụ. Phải như thế, kỷ cương pháp luật mới từng bước được lập lại, xã hội mới ổn định, phát triển", Luật sư Tâm nhấn mạnh.