Đoàn ĐBQH làm việc với các cơ quan thành phố trước kỳ họp thứ 7
Hợp nhất Văn phòng ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Yên Bái |
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng còn lại năm 2019.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,99% (cùng kỳ tăng 6,98%). Các chỉ số kinh tế ngành duy trì mức tăng khá, đặc biệt dịch vụ tăng cao hơn so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế có lưu trú đạt 1,72 triệu lượt người, tăng 9%; tổng thu từ khách du lịch tăng 30%. Thu ngân sách thành phố 4 tháng đầu năm đã đạt 90.426 tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách 17.180 tỷ đồng, đạt 17% dự toán. Kim ngạch xuất khẩu đạt 4,56 tỷ USD, tăng 12,9% (cùng kỳ tăng chỉ 2,7%). Môi trường đầu tư tiếp tục cải thiện rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 của Hà Nội xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2017, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu nhiệm kỳ 2015-2020. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố đạt 4,47 tỷ USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ....
Báo cáo cũng nêu rõ 9 kiến nghị của UBND TP với Quốc hội. Trong đó, UBND thành phố kiến nghị Quốc hội hoàn thiện quy định của pháp luật về phân cấp, ủy quyền, đặc biệt là phân cấp của Chính phủ và các bộ cho chính quyền địa phương; xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công vì một số quy định của luật hiện nay quá cứng nhắc, chưa đầy đủ, tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư công với các luật khác...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửa trình bày báo cáo của UBND TP tại buổi làm việc |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương cũng đã thông tin với Đoàn ĐBQH TP về ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân Thủ đô gửi tới kỳ họp thứ bảy, bao gồm 5 nhóm ý kiến, kiến nghị cụ thể. Trong đó, đáng chú ý cử tri và nhân dân lo lắng về tình trạng “được mùa, mất giá”, mất an toàn thực phẩm; bức xúc trước tình trạng lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng để trục lợi, tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội (như tệ nạn ma túy, uống rượu lái xe, xâm hại tình dục, bạo lực học đường)...
Cử tri và nhân dân Thủ đô kiến nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật để có cơ chế tốt hơn trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, trước hết là đối với những quy định còn thiếu hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; tăng chế tài xử lý về một số lĩnh vực, hành vi nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật như tội phạm liên quan đến ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng...
Tại buổi làm việc, đại diện cho cử tri Thủ đô, các ĐBQH TP cũng bày tỏ băn khoăn trước tình trạng ô nhiễm các dòng sông, hạ tầng giao thông, tình trạng khai thác cát trái phép, xử lý các kiến nghị của cử tri... đồng thời kiến nghị thành phố sớm có giải pháp xử lý.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã giải đáp các nội dung được nêu ra như, về giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A; cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng tại công trình số 8B Lê Trực (quận Ba Đình); khắc phục ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm rác thải; chống nạn “cát tặc”... Theo đó, đối với nội dung mở rộng Quốc lộ 1A được phản ánh đang triển khai chậm, thành phố đã bố trí vốn giao cho UBND các huyện: Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín triển khai. Tuy nhiên dự án mở rộng quốc lộ 1A đang có khó khăn về giải phóng mặt bằng, thành phố đã chỉ đạo các phối hợp với Tòa án nhân dân thành phố có giải pháp giải quyết chính sách giải phóng mặt bằng để dự án sớm thực hiện.
Liên quan công trình xây dựng sai phạm tại số 8B Lê Trực, Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, thành phố đã quyết liệt xử lý, UBND quận Ba Đình cũng đã tổ chức cưỡng chế lần 1. Việc tiếp theo thành phố và chủ đầu tư đã thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục cắt ngọn 2 tầng để bảo đảm quy hoạch về chiều cao công trình.
Về vấn đề khai thác cát tại vùng giáp ranh sông Hồng, thành phố đã có nhiều chỉ đạo với UBND quận, huyện dọc sông Hồng. Theo Chủ tịch Hà Nội, vấn đề khai thác cát trên địa bàn hết sức phức tạp, vì vậy, thời gian tới, thành phố sẽ đấu thầu dự án công khai, minh bạch bởi hiện nay khai thác cát là rất nguy hiểm, nếu không có quy hoạch sẽ dẫn đến sạt lở hai bên sông.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc |
Đối với vấn đề thu gom rác, Chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố đã thực hiện các giải pháp, phấn đấu 100% nội thành và 90% ở ngoại thành được thu gom hàng ngày. Để thực hiện việc này, tỷ lệ cơ giới hóa đã được nâng lên, công tác thu gom rác đã tốt hơn; tuy nhiên việc phân loại nguồn rác thải ngay từ khâu thu gom thì chưa thực hiện được. Hiện, thành phố đã phê duyệt 3 chủ đầu tư với công suất 5 nghìn tấn/ngày và hy vọng đến năm 2020 sẽ thu gom hết rác trong ngày.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, với cương vị Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định: Đoàn sẽ tiếp thu các kiến nghị của Thành phố và truyền tải tới diễn đàn Quốc hội.
Theo Bí thư Thành ủy, những nội dung các đại biểu đưa ra cũng là vấn đề Thành phố đang rất quyết liệt triển khai. Như vấn đề khai thác cát trái phép, đồng chí Hoàng Trung Hải cho rằng, đây là việc phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, đặc biệt cần phải rà soát lại giấy phép, siết chặt đấu thầu, đánh giá để khống chế khối lượng khai thác. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên… kịp thời phát hiện và xử lý quyết liệt hơn đối với những vi phạm trong lĩnh vực này.
Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp trí tuệ để cùng thành phố đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cử tri; đặc biệt là hoàn thiện hệ thống luật pháp để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của Thủ đô.