Đổ thải ngăn dòng chảy sông Hồng, người dân lo lắng tình trạng "chiếm" đất công
Quảng Bình: Công ty bê tông Nguyên Anh nhiều lần đổ thải ra môi trường |
Đổ thải ngăn dòng chảy sông Hồng
Ngày 3/8, Hạt quản lý đê Long Biên (thuộc Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội) đã kiểm tra hiện trường khu vực bãi sông Hồng và phát hiện những vi phạm đáng chú ý.
Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện hành vi đổ trộm phế thải ra giữa sông tại km70+560 (khu vực bãi sông tả Hồng thuộc phường Long Biên), cách đường đê phía sông 1.600m, cách bờ sông 400m đã có hiện tượng đổ một lượng lớn phế thải xây dựng (khoảng 160m3). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn không xác định được chủ thể vi phạm.
Đổ phế thải ngăn dòng chảy dưới chân cầu Vĩnh Tuy |
Căn cứ vào báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận Long Biên nhằm "xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật trên địa bàn quận Long Biên".
Văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nêu rõ: "Việc đổ phế thải, trạc thải, lắp dựng công trình ở bãi sông gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều và cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ và gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dư luận tại khu vực này".
Theo quan sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại địa điểm nêu trên, hàng ngàn mét vuông đã bị lấp hoàn toàn bởi các loại đất đá, phế thải, vật liệu xây dựng. Lẫn với gạch vỡ là rác thải, phế thải rơi vãi bốc mùi nặng, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân khu vực, đường sá, cống thoát nước bị ô nhiễm, tắc, ứ đọng. Ngoài ra, việc canh tác trên đất nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng do đất, phế thải san lấp bừa bãi.
Quan trọng hơn, việc đổ thải tại km70+560 một cách cố ý đã hình thành "con đập" dài đến cả trăm mét ngăn dòng chảy của sông Hồng. Đây là điểm đáng lo bởi khu vực này nằm trong phân khu thoát lũ thuộc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Khu vực dưới chân cầu Vĩnh Tuy thuộc vùng R5, là không gian sinh thái trọng tâm của phân khu đô thị sông Hồng, với các khu vực nông nghiệp trồng rau màu, cây cảnh, các khu vực nuôi trồng thủy sản cùng các làng nông nghiệp truyền thống và các công trình di tích lịch sử. Khu vực này được định hướng bảo tồn và khôi phục các giá trị tự nhiên và văn hóa phục vụ du lịch và phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, vận chuyển (cảng Thanh Trì, Bát Tràng), làng nghề Bát Tràng.
Lo ngại hiện tượng "chiếm" đất công
Được biết, toàn bộ khu vực đất bãi dưới chân cầu Vĩnh Tuy đều có nguồn gốc là đất công do chính quyền địa phương quản lý. Đặc biệt, vị trí km70+560 tả Hồng tồn tại một dải đất nổi trên sông rộng chừng 2 hecta, hiện đang trồng nhãn. Nơi đây được ví như “hòn ngọc” của cả vùng bãi sông Hồng. Chính vị thế đắc địa như thế khiến không ít người dòm ngó, thậm chí có ý đồ lấn chiếm.
"Con đường phế thải" dẫn ra khu đất công giữa sông Hồng |
Minh chứng cho điều này là thực tế, hầu hết các bãi chôn lấp phế thải tại bãi sông Hồng đều vụng trộm và bừa bãi, không theo quy luật nào; song, bãi đổ thải dưới chân cầu Vĩnh Tuy tại km70+560 lại hình thành nên một con đường dài hàng trăm mét, bề rộng khoảng 7 mét, nối từ chân cầu vào đến khu bãi nổi trên sông Hồng. Con đường này không chỉ ngăn dòng chảy sông Hồng, mà dường như còn phục vụ ý đồ lấn chiếm ra dải đất nằm giữa lòng sông.