Dịch sởi lan tới 43/63 tỉnh với nhiều ca biến chứng nặng
Trong số các trường hợp mắc sởi có đến 98,7% có tiền sử chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin sởi.
Các trường hợp mắc tập trung chủ yếu tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa còn có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp và những đô thị có số trẻ di biến động lớn nên có nguy cơ cao bùng phát dịch.
Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), ngoài biến chứng viêm não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt Vitamin A có thể dẫn tới mù lòa ...
PGS. Cường cho biết, số người mắc sởi ở Hà Nội cũng như các tỉnh phía Nam tăng đột biến. Đặc biệt ở trẻ em không được tiêm phòng và người lớn lứa tuổi 25-35 do không được tiêm nhắc lại vắc xin sởi. Phòng bệnh hiệu quả nhất bằng cách tiêm vắc xin sởi. Hiện nay trên thị trường có sẵn vắc xin sởi đơn hoặc phối hợp sởi - quai bị - Rubella (MMR) rất an toàn. Các bà mẹ nên đưa trẻ độ tuổi 9 tháng tuổi đi tiêm phòng và sau đó nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.