Đề xuất xây dựng lầu vọng nguyệt dọc hai bờ sông Tô Lịch
“Chia tay” sông Tô Lịch, công nghệ Nhật được giới thiệu làm sạch “ao tù” Hà Nội muốn “hồi sinh” sông Tô Lịch bằng nước sông Hồng Chuyên gia Nhật đưa mức phí xử lý nước thải sông Tô Lịch |
UBND thành phố Hà Nội vừa xin ý kiến các nhà khoa học hoàn thiện Dự án Xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Theo đề án, nước từ sông Hồng sẽ được bổ cập vào hồ Tây sau đó điều tiết ra sông Tô Lịch, để “hồi sinh” con sông này.
Về việc này, nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Lê Minh Châu nhìn nhận, việc lấy nước sông Hồng sau khi lắng phù sa bổ cập nước vào Hồ Tây và cung cấp thêm nước cho sông Tô Lịch vào mùa cạn kiệt đã được đề cập, có nhiều cuộc hội thảo vào các năm 1996, 1998.
“Theo tôi việc triển khai dự án này là hết sức cần thiết vì việc bơm nước lắng lọc phù sa từ sông Hồng sẽ đảm bảo chất lượng nước để bổ cập cho Hồ Tây. Với công nghệ của ta hiện nay hoàn toàn làm được, các đơn vị thi công trong nước đủ khả năng làm trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo chất lượng công trình”, ông Châu nhận định.
Nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Lê Minh Châu.
Theo ông Châu, nếu Hà Nội không bổ cập nước cho hồ Tây thì vài chục năm sau không còn hồ Tây nữa mà còn đầm hồ Tây. Sông Tô Lịch cũng sẽ chết vì mùa khô không có nước.
Nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội tin rằng, nếu dự án bổ cập nước hồ Tây thành công thì sẽ mở ra rất nhiều cách nhìn mới, ý tưởng mới cho sông Tô Lịch và cảnh quan Hà Nội.
Thí dụ như: Sông Tô Lịch sẽ nối với hồ Tây, đào thêm 1 km nối sông Tô Lịch với hồ Thủ Lệ, nối sông Tô Lịch với hồ Yên Duyên, Yên Sở.
Sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay) trở thành giao thông đường thủy.
Các cầu trên sông sẽ cải tạo thành cầu vòm bằng dầm bê tông cốt thép chịu ứng lực. Kiến trúc phía trên cầu đẹp và khác nhau (hình dáng kiến trúc cầu có thể lấy các cầu đẹp đặc thù đã xây dựng ở các tỉnh).
Hàng chục năm qua Hà Nội vẫn loay hoay tìm cách "hồi sinh" sông Tô Lịch.
Du lịch sông Tô Lịch sẽ phục vụ cho du lịch tâm linh nối liền các chùa ở hồ Tây đến đền Voi Phục, chùa Láng…
Ngoài ra, hai bờ sông Tô Lịch sẽ có nhiều nhà chờ xuống thuyền sát với các bến xe buýt hiện nay. Các nhà chờ này được xây dựng kiến trúc đẹp như các lầu vọng nguyệt ở các triều đại nhà Lê, nhà Trần, nhà Nguyễn...
Ông tin tưởng, lúc bấy giờ dòng sông Tô Lịch như “một tấm lụa màu xanh vắt qua cô gái Hà Nội trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức sống”.
Đặc biệt, ông Châu đề cập đến việc cải tạo 3 công viên lớn. Cụ thể, Công viên nước Hồ Tây là nơi vui chơi giải trí của thanh thiếu niên với nhiều công trình vui chơi nước cảm giác mạnh; Công viên Thủ Lệ đầu tư trở thành một Venice của Ý thu nhỏ trong lòng Hà Nội; Công viên Yên Sở sẽ là Disneyland với nhiều khu vui chơi giải trí.
Về kinh phí thực hiện, ông Châu cho rằng, ngoài kinh phí ngân sách của thành phố thì còn nhiều nguồn vốn khác có thể huy động như đầu tư ở nước ngoài, kêu gọi các đại gia trong nước tham gia.
Trước ý kiến về kinh phí của ông Châu, nguyên Phó chủ tịch TP. Hà Nội Đồng Minh Sơn cho rằng, rất khó có người bỏ tiền để thực hiện dự án không có nguồn thu này. Theo ông, Hà Nội đang đứng trước tình hình nếu không có giải pháp cụ thể thì không giải quyết được gì. "Đã đến lúc Hà Nội cần có đầu mối điều hành tập trung cấp thoát nước, bảo vệ nguồn nước, xử lý nước".
Bàn về giải pháp lấy nước sông Hồng bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, muốn hồi sinh sông Tô Lịch, việc bổ cập nước không phải là biện pháp duy nhất, nếu muốn môi trường thật sự tốt thì phải đi kèm các biện pháp tổng hợp như nạo vét, xây dựng hệ thuỷ sinh trong hồ. Trong đó, việc bổ cập nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch chỉ nên thực hiện khi đã giải quyết làm sạch được nước thải.
Theo ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Cty Thoát nước Hà Nội, trong những năm gần đây mực nước hồ Tây đang bị cạn kiệt dần (nhiều chỗ chỉ còn 0,5 m nước). Điều đó dẫn đến tình trạng ô nhiễm hồ Tây ngày càng nghiêm trọng hơn. Để cải thiện chất lượng nước hồ Tây, cùng với việc nạo vét bùn, theo ông Hùng việc cung cấp nước bổ sung là hết sức cần thiết. Song song đó, thành phố Hà Nội cũng tính tới việc tạo dòng chảy để “hồi sinh” sông Tô Lịch. Theo phương án, nước từ sông Hồng được bơm vào hồ Tây, khi đạt mực nước cần thiết, thành phố sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Theo phương án này, mỗi ngày thành phố Hà Nội dự kiến bơm hơn 134 nghìn mét khối nước vào hồ Tây (bơm 26 ngày/tháng). Thành phố Hà Nội dự tính đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600 m, về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600 mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1200 mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây. Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960 m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quân vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng. Trong đề án, thành phố Hà Nội cũng cho biết, sẽ xây dựng một con đập cao su (có đường kính 1,5 m, cao 2,5 m) ở cuối nguồn sông Tô Lịch, cách thượng lưu 11,7 km. Với đập cao su này, đơn vị liên quan sẽ khống chế cao độ mực nước trên sông, đảm bảo mục tiêu khai thác giao thông thủy và giải quyết úng ngập trong mùa mưa bão. |