Đề phòng cảm lạnh trong ngày rét
Mùa lạnh: Cơ thể càng nhạy cảm với cúm! |
Cảm lạnh là bệnh thường gặp và hầu như không gây ảnh hưởng gì nghiêm trọng tới sức khỏe của người trưởng thành, nhưng nó lại gây ảnh hưởng lớn tới trẻ em nếu mắc phải. Nguyên do là bởi vì trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện, nếu gặp điều kiện bất lợi có thể gây ảnh hưởng tới các cơ quan hô hấp như phổi, phế quản.
Cảm lạnh và cảm cúm khác nhau thế nào?
Hiện nay nhiều người vẫn bị nhầm lẫn giữa cảm lạnh thông thường và cảm cúm bởi chúng đều là bệnh về đường hô hấp và có các triệu chứng gần giống nhau. Tuy nhiên, 2 tình trạng bệnh này hoàn toàn khác biệt về cả tác nhân gây bệnh và những ảnh hưởng của chúng đối với sức khỏe.
Tác nhân gây ra bệnh cảm lạnh thường là các loại virus thuộc chủng Rhinovirus, hoặc Enterovirus. Trong khi đó, bệnh cảm cúm lại bắt nguồn từ các loại virus cúm A và B. Ngoài ra, cảm lạnh triệu chứng cũng có mức độ ít nghiêm trọng hơn so với các triệu chứng gây ra do cúm.
Đối với bệnh cảm lạnh thông thường sẽ tác động tới các cơ quan như xoang, mũi hoặc họng, kèm theo các triệu chứng nhẹ và có thể tự khỏi chỉ sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, bệnh cúm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng tới sức khỏe như nhiễm trùng tai, xoang, viêm phổi hoặc nhiễm trùng máu nếu không được điều trị kịp thời.
Mặc ấm để đề phòng cảm lạnh trong những ngày giá rét.
Triệu chứng thường gặp
Sau khi cơ thể bị nhiễm virus khoảng 2 - 3 ngày, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện của bệnh tác động lên các cơ quan xoang, mũi, họng, kéo dài từ 3 - 7 ngày. Trong khoảng 3 ngày đầu là khoảng thời gian dễ gây lây nhiễm cho người khác nhất.
Bệnh cảm lạnh thông thường sẽ chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần xuất hiện triệu chứng. Các triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người bệnh, dưới đây là một số triệu chứng thường gặp nhất có thể kể đến: nghẹt mũi, khó thở; chảy nhiều nước mũi, nước mắt; ho; đau họng, viêm họng; đau đầu, đau nhức cơ thể; hắt hơi; sốt nhẹ. Cảm thấy mệt mỏi trong người. Một số người bệnh có thể bị mất vị giác, sưng hạch bạch huyết.
Tuy bệnh có thể tự khỏi trong vài ngày, nhưng cũng có một số trường hợp không được điều trị kịp thời, cảm lạnh sẽ gây ra một số các biến chứng cho cơ thể, như hen suyễn, viêm tai giữa, viêm xoang cấp tính hoặc các nhiễm trùng thứ cấp khác. Vì vậy, người bệnh cần đến bệnh viện để nhận được điều trị kịp thời nếu bệnh không thể tự khỏi.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Đối với người trưởng thành, cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu sau khi điều trị bằng thuốc nhưng vẫn có các triệu chứng như: Sốt cao trên 38,5 độ C từ 5 ngày trở lên hoặc đột ngột bị sốt sau một thời gian ngừng sốt; Thường xuyên có hiện tượng khó thở, thở khò khè; Đau họng và đau đầu nhiều, kéo dài; Bị xoang nghiêm trọng.
Trường hợp trẻ em bị cảm lạnh, nên lưu ý đến trẻ thường xuyên hơn, do bệnh ở trẻ sẽ nguy hiểm hơn đối với người lớn. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến viêm phổi hoặc viêm phế quản ở trẻ. Vì vậy, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi trẻ có các triệu chứng sau: trẻ từ 1 - 4 tháng tuổi bị sốt 38 độ C; sốt tăng hoặc kéo dài trên 2 ngày; các triệu chứng ở trẻ không được cải thiện hoặc có dấu hiệu tăng lên; trẻ bị ho, khó thở, thở khò khè; chán ăn, mệt mỏi; đau tai, đau đầu; buồn ngủ bất thường, rối loạn ý thức.
Điều trị thế nào?
Cảm lạnh là một bệnh lý không phức tạp, cách điều trị chủ yếu là tập trung vào các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc xịt giúp thông mũi, thuốc ho giúp làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể áp dụng một số các biện pháp điều trị đơn giản cũng hết sức hiệu quả và đã được áp dụng rất nhiều như vệ sinh mũi, miệng, họng sạch sẽ, uống nhiều nước ấm.
Vệ sinh mũi sạch sẽ bằng cách xì mũi, đẩy các chất nhờn, nước mũi ra ngoài để ngăn chặn chúng xâm nhập sâu hơn, tránh tình trạng bệnh nặng hơn.
Vệ sinh miệng và họng bằng cách súc miệng 2 - 4 lần/ngày bằng nước muối có tính sát khuẩn cao, giúp làm dịu cơn đau rát họng và kháng viêm hiệu quả.
Uống nhiều nước ấm, tốt hơn là nước chanh mật ong hoặc nước gừng, giúp làm tan đờm trong cổ họng, giảm ho và giảm cơn đau họng, đồng thời giữ ấm cho cơ thể.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để tránh bị cảm lạnh, cần: Rửa tay sạch sẽ và thường xuyên với nước rửa tay hoặc xà phòng; Không dùng chung đồ với người khác, đặc biệt là người bệnh cảm lạnh, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, đảm bảo không gian nơi ở luôn thoáng, đồ dùng trong nhà được khử trùng tránh vi khuẩn tích tụ; Chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách ăn uống khoa học, rèn luyện thường xuyên, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
BS. Văn Bàng