Cục trưởng Cục thực phẩm: 99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là sai sự thật

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, tất cả những quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ khẳng định là "giải pháp hoàn hảo", "chữa khỏi"... đều lừa dối người tiêu dùng.
Quảng cáo thuốc “an toàn","điều trị tận gốc” là trái pháp luật Dược sĩ Việt chỉ ra sự thật thực phẩm chức năng Mỹ Nổi mụn chi chít do uống thuốc trôi nổi Thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải kê khai giá

Xử phạt hơn 3 tỷ đồng vi phạm quảng cáo mỗi năm

Thưa ông, thời gian qua rất nhiều sai phạm quảng cáo TPCN đã được cảnh báo, xin ông nói rõ hơn về thực trạng ngày?

Tình trạng quảng cáo sai sự thật, gian dối, có thể dùng từ lừa dối người tiêu dùng diễn biến rất phức tạp.

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan, bệnh xương khớp, nam khoa....

Nhiều sản phẩm quảng cáo rất bậy bạ, phản cảm về công dụng như "uống sản phẩm giúp "cái ấy" dài tới 20 cm" hay "U70 thoải mái chiến liên tục"...

Một số TPCN quảng cáo nổ về công dụng "trĩ nặng mấy gặp tôi cũng hết" trong khi sản phẩm chỉ được cấp phép nhuận tràng, giảm nguy cơ táo bón; hay sản phẩm hỗ trợ xương khớp, gout... "nổ" công dụng như "thần dược" là "trị dứt điểm bệnh thoái hóa khớp", "tạm biệt bệnh gout chỉ vài tuần" trong khi gout là bệnh mãn tính chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.

Như sản phẩm An trĩ Ngọc Linh do Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Mai thản nhiên quảng cáo trĩ nặng mấy gặp tôi cũng hết, chỉ một liệu trình; Khó đi ngoài, búi trĩ thập thò, gặp tôi sẽ hết; giải pháp hoàn hảo cho người bị trĩ...

Tôi khẳng định, đây là sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm cấp giấy phép, nhưng chỉ được cấp phép quảng cáo là hỗ trợ nhuận tràng, giảm nguy cơ bị trĩ, nhưng khi quảng cáo nhì nhà sản xuất đã cố tình nói vống công dụng sản phẩm, đó là có tác dụng giúp búi trĩ tự co lên,

Hay sản phẩm xương khớp được quảng cáo là bí quyết trị dứt điểm thoái hoá, thoát vị ngay tại nhà; Xem một phút, khỏi guot cả đời - trong khi gout là bệnh chuyển hoá không thể chữa được.

Những lời quảng cáo như sản phẩm an thống đan giúp hơn 700 nghìn người tạm biệt gout chỉ trong vòng 3 tuần kể cả mãn tính; viêm xoang dù 5 – 15 năm cũng khỏi... là những quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng.

Thưa ông, vừa qua Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành phải chấn chỉnh các nội dung quảng cáo trong lĩnh vực y tế, ngành y tế sẽ tiến hành những hoạt động gì để chấn chỉnh lại các quảng cáo này?

Trước chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta có chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo trong đó có lĩnh vực y tế, thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng.

Về hệ thống pháp luật, để quản lý hoạt động quảng cáo nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế và thực phẩm chức năng rất đầy đủ như luật quảng cáo, thông tư, hướng dẫn, nghị định… Riêng với lĩnh vực thực phẩm có riêng một thông tư Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động quảng cáo lĩnh vực thực phẩm.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định 99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội là sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm.

Tất cả văn bản này đều thể hiện nội dung quan trọng, đó là người có sản phẩm quảng cáo và người phát hành quảng cáo là cơ quan báo đài, trang thông tin điện tử, trước khi tiến hành quảng cáo, nội dung quảng cáo phải được cơ quan chức năng thẩm định xem đúng công dụng sản phẩm không. Và chỉ được quảng cáo khi đã thẩm định nội dung, chỉ quảng cáo nội dung đã được thẩm định.

Ngoài ra các thông tư hướng dẫn quảng cáo trong lĩnh vực thực phẩm còn quy định cán bộ y tế, cơ sở y tế không được để các tổ chức cá nhân sử dụng hình ảnh và uy tín của mình để quảng cáo.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, vẫn còn tình trạng thực phẩm chức năng quảng cáo có công dụng như thuốc, sử dụng hình ảnh cán bộ y tế, thậm chí có cán bộ y tế đứng ra quảng cáo thực phẩm chức năng, đó là những vi phạm pháp luật không chấp nhận được. Chúng tôi xử phạt đến 3 tỉ đồng trong năm qua vì vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng

99% quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội không đúng sự thật

Xin ông cho biết, người tiêu dùng có thể "nhận diện" các sản phẩm quảng cáo sai phạm, quảng cáo quá nội dung công dụng như thế nào?

Tôi khẳng định, 99% quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng xã hội không đúng sự thật. Chúng tôi đã làm việc với cơ quan chức năng, bộ thông tin - truyền thông, đại diện Facebook để xử lý những sai phạm này.

Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo"

- Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo

- Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật.

- Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.

- Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia...

Người tiêu dùng không tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.

Ngoài việc xử lý vi phạm của các công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, cơ quan quản lý sẽ xử lý như thế nào với các cá nhân bác sĩ, đơn vị quảng cáo sai phạm?

Thời gian qua, chúng tôi phát hiện nhiều đài phát thanh, truyền hình tỉnh, một số bác sĩ, cán bộ y tế đứng ra quảng cáo thực phẩm chức năng sai quy định. Chúng tôi đã có công văn gửi giám đốc, trưởng đơn vị có cán bộ y tế quảng cáo thực phẩm chức năng để chấn chỉnh, quản lý cán bộ. Chúng tôi cũng có văn bản đề nghị cơ quan chức năng gửi đến đài phát thnah, truyền hình địa phương không được quảng cáo sản phẩm thực phẩm y tế khi chưa được thẩm định nội dung quảng cáo.

Tôi có thể khẳng định 99% quảng cáo thực phẩm chức năng qua mạng xã hội là sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm.

Với vai trò là cơ quan quản lý, Cục An toàn thực phẩm đã làm gì để siết chặt tình trạng quảng cáo bát nháo thực phẩm chức năng?

Về nguyên tắc, chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định. Nhưng nhiều đơn vị khi đăng kí với cơ quan nhà nước như thế nào, quảng cáo thực phẩm chức năng phải đúng với nội dung đã cấp phép.

Ngoài ra có nhiều quy định cấm, như cấm so sánh tốt nhất, tốt hơn trực tiếp với sản phẩm khác, cấm quảng cáo vi phạm thuần phong mỹ tục…

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, chúng tôi đã phối hợp với các bộ ngành để kiểm soát quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm.

Với việc xử lý vi phạm lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong đó có quảng cáo, Cục An toàn thực phẩm chỉ có 7 thanh tra viên nhưng là 1 trong những đơn vị thuộc bộ y tế xử lý mạnh mẽ nhất về vi phạm quảng cáo. Có những năm chúng tôi phạt hơn 3 tỷ vì vi phạm này, chưa kể số tiền phạt do các đơn vị khác như Thanh tra Bộ Y tế, thanh tra Sở Y tế, thanh tra Bộ Thông tin - truyền thông.

Ngay sau khi có có chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, Bộ trưởng y tế có chỉ thị tăng cường thanh kiểm tra hoạt động quảng cáo.

Chúng tôi liên tục tiến hành rà soát các nội dung quảng cáo. Nhiều doanh nghiệp phủ nhận nội dung quảng cáo vi phạm, chối cãi nội dung quảng cáo đó họ không thực hiện. Là cơ quan quản lý, chúng tôi đưa ra cảnh báo người tiêu dùng không mua những sản phẩm này, đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động