COCO Shop: Mập mờ hàng 'nhái', hàng 'hiệu'
Tra Google để đọc thành phần cho khách
Nhận được thông tin về chuỗi của hàng Coco Shop bàu bán sản phẩm mập mờ, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. PV Báo Tuổi trẻ và Pháp luật đã vào cuộc và sự thật dần sáng tỏ.
Theo tìm hiểu, 2 cơ sở mỹ phẩm Coco Shop tại 80 Chùa Bộc và 136 Cầu Giấy đều thuộc sở hữu của Công ty TNHH và thương mại và Đầu tư XNK Việt Nam. Doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở chính tại số 10 ngõ 59 Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội do bà Phạm Thị Ngọc Anh làm giám đốc.
Sản phẩm của CoCo Shop phần lớn là không có nhãn phụ
Quá trình thu thập thông tin cho thấy, Coco Shop là một thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm khá có tiếng tại Thủ đô Hà Nội. Nhưng theo ghi nhận của PV, tại đây rất nhiều sản phẩm mỹ phẩm không hề có tem, nhãn phụ. Chính người quản lý của Coco Shop và các nhân viên ở đây cũng thừa nhận Coco Shop bán cả hàng chính hãng và hàng xách tay. Dấu hiệu để phân biệt hai loại hàng hoá này chính là nhãn phụ Tiếng Việt được in trên các sản phẩm.
Cụ thể là khi bước vào cơ sở tại số 80 Chùa Bộc (Hà Nội) của Coco Shop, PV ghi nhận rất nhiều loại mỹ phẩm không dán nhãn phụ như kem chống nắng, xịt khoáng, phấn, kem nền và đặc biệt là son. Ngoài ra, còn rất nhiều các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài khác được cửa hàng mỹ phẩm này không dán nhãn phụ tiếng Việt bày bán công khai.
Sản phẩm son môi cũng được nhân viên cho biết là hàng "Xách tay" nên không có nhãn phụ
Tại đây đa số là hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ. Khi PV thắc mắc với nhân viên bán hàng về một sản phẩm kem nền không dán nhãn bằng tiếng Việt thì được giải thích: “Đây là hàng Hàn, làm sao có tiếng Việt được”. Khảo sát tại cơ sở số 80 Chùa Bộc (Hà Nội), khi được hỏi về các thành phần của sản phẩm của dưỡng da La Roche thì nhân viên lúng túng cầm sản phẩm lên sau đó dùng Ipad vào Google tra theo tên sản phẩm rồi đọc thành phần cho khách hàng.
Điều này khiến nhóm PV rất bất ngờ vì ngay đến nhân viên còn lúng túng trong việc tư vấn vì các mặt hàng nhập khẩu được bày bán công khai không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin của từng sản phẩm cho người tiêu dùng như thành phần, hướng dẫn sử dụng, cảnh bảo dị ứng, nhà nhập khẩu thì người tiêu dùng biết tin vào đâu?
Liên tục tái phạm “thách thức” cơ quan chức năng
Được biết, trước đây, Chi Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cũng đã chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành số 2, thực hiện kiểm tra tại hai cơ sở của Coco Shop ở địa chỉ 80 Chùa Bộc và 136 Cầu Giấy.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, 230 sản phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt và không có hoá đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hoá. Tổng giá trị hàng hoá là 8.580.000 đồng.
Với việc vi phạm này, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội đã phạt hai cơ sở trên với tổng số tiền là 8 triệu đồng với hành vi kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu.
Thế nhưng, theo khảo sát của PV tại thời điểm hiện tại (14/01/2019), chuỗi hệ thống cửa hàng này vẫn ngang nhiên bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Việc làm này chứng tỏ Coco Shop đang “thách thức” cơ quan chức năng chỉ vì lợi nhuận.
Tai các cơ sở của CoCo Shop luôn thu hút lượng lớn khách hàng bởi đánh trúng đòn tâm lý thích hàng hiệu giá rẻ
Có thể nói, Coco Shop có nhiều cơ sở tọa lạc ngay tại mặt đường lớn, kinh doanh sầm uất bậc nhất của Thủ đô, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện lưu hành thị trường mà vẫn ngang nhiên tồn tại mặc cho cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính. Người sử dụng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng dởm, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Và khi có sự cố xảy ra, thì tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?
Theo luật sư Vi Văn Diện (Đoàn luật sư Hà Nội), để hạn chế tình trạng chuỗi cửa hàng Coco Shop cố tình vi phạm pháp luật, rất cần các cơ quan chức năng tiếp tục mạnh tay xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng cần phải đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Cục Quản lý thị trường Hà Nội trong lĩnh vực này.