Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước vẫn chậm
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm Công ty CP Hanel: Từ lùm xùm cổ phần hóa đến khoản nợ khó đòi cả trăm tỷ đồng |
Báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết về chất vấn, liên quan đến công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trong giai đoạn năm 2016 - 2019, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước (thông qua Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp) đã chuyển vào ngân sách nhà nước tổng số tiền là 205.000 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2016 là 30.000 tỷ đồng; năm 2017 là 60.000 tỷ đồng; năm 2018 là 65.000 tỷ đồng và năm 2019 là 50.000 tỷ đồng.
Như vậy, trong năm 2020, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp còn phải chuyển về ngân sách tổng số tiền là 45.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Về công tác cổ phần hóa, theo Bộ Tài chính, lũy kế giai đoạn 2016 - tháng 3/2020, có 174 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.126 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.748 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 174 doanh nghiệp đã cổ phần hóa chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa theo công văn số 991/TTg-ĐMDN và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đạt 28% kế hoạch, số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm 2020 là: TP Hà Nội phải cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (4 Tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch; TP Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp (11 Tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp (3 Tập đoàn, 3 Tổng công ty); Bộ Công thương cổ phần hóa 4 doanh nghiệp (03 Tổng công ty); Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 Tổng công ty.
Về tình hình thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 3/2020 là 25.166 tỷ đồng, thu về 171.844 tỷ đồng.
Trong đó, thoái vốn nhà nước tại 96 đơn vị thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 4.783 tỷ đồng, thu về 9.185 tỷ đồng. Cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco) tại các doanh nghiệp ngoài Quyết định số 1232/QĐ-TTg. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 16.597 tỷ đồng, thu về 52.266 tỷ đồng.
Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ- TTg còn chậm, những đơn vị còn nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg với giá trị lớn là: Bộ Công thương, Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 tổng công ty cổ phần); TP Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 doanh nghiệp).