Chính phủ của lòng dân
Chính phủ có thể “đặt đề bài” cho các doanh nghiệp Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nhân |
Nghĩa Tổ quốc, tình dân tộc
Cơn bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều địa phương Bắc Bộ, nhưng ngay trong những thời khắc khó khăn nhất luôn có sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, qua đó góp phần giảm đến mức tối đa thiệt hại mà thiên tai gây ra.
Trước đó, với diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, Bộ Chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa bão.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lội bùn vào hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai chiều 12/9 |
Ngày 9/9, trong lúc đang mưa lũ do hoàn lưu bão, Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung ứng phó với bão lũ. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3; trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả tại một số địa phương.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 công điện; chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình, tập trung ứng phó bão, mưa lũ từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở với phương châm phải chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó hiệu quả ở mức cao nhất, sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các địa phương trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão, lũ và kịp thời động viên, thăm hỏi người dân và các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, nhất là các gia đình, địa phương có mất mát về người để giảm thiểu thiệt hại ít nhất có thể. Các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân đã chủ động phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão lũ. Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn |
Mặc dù sự chủ động, tích cực vào cuộc từ sớm, từ xa, từ cơ sở và sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, lực lượng chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã góp phần rất quan trọng giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của bão lũ, nhưng thiệt hại vẫn còn rất lớn và để lại hậu quả nghiêm trọng, nặng nề, làm hàng trăm người chết và mất tích, hàng nghìn người bị thương; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị ngập, hư hỏng; hàng trăm nghìn héc-ta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; hàng nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, tàu thuyền bị hư hỏng, cuốn trôi; hàng triệu con gia súc, gia cầm bị chết; nhất là những tổn hại về tinh thần của người dân và sự đau thương, mất mát không gì có thể bù đắp được của những người thân, gia đình có người đã mất, người bị thương do bão lũ gây ra.
Trước những tổn thất, mất mát to lớn của đồng bào ở những vùng bị thiệt hại, chúng ta vô cùng tiếc thương, thấu hiểu, chia sẻ với những giọt nước mắt, những nỗi đau buồn khôn nguôi của những gia đình đã không may mất đi những người thân yêu.
Chúng ta cũng không bao giờ quên những tấm gương dũng cảm, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là những cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an đã không quản ngại nguy hiểm, khó khăn để ứng cứu đồng bào, tìm kiếm, cứu nạn trong bão lũ, trong đó có những đồng chí đã anh dũng hy sinh, thể hiện bản chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", của người chiến sỹ Công an Nhân dân "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".
Chúng ta xúc động và cảm phục về sự chủ động, tích cực, đoàn kết, tinh thần nỗ lực vượt khó của người dân trong vùng bão lũ, đặc biệt là những tấm gương nhanh trí, sáng tạo, dũng cảm thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, như kịp thời đưa người dân trong thôn, bản tránh khỏi lũ quét, cứu tàu thuyền trôi tự do trên sông lớn chảy xiết. Những “chuyến xe nghĩa tình”, những tấm lòng hảo tâm, nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ đồng bào gặp khó khăn là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và truyền thống tốt đẹp yêu nước, thương nòi của dân tộc ta.
Nghĩ cho dân từng “miếng ăn, giấc ngủ”
Hẳn chúng ta không thể quên được trong những ngày xảy ra cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ở các địa phương; thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ một cách gần gũi, khẩn trương, tạo sự yên tâm, vững tâm trong xã hội và ghi nhận sự quyết liệt, sâu sát, kịp thời của Chính phủ.
Tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc khi đề cập những mất mát, thiệt hại của người dân, đất nước. |
Đặc biệt, hình ảnh người đứng đầu Chính phủ không quản hiểm nguy, không ngại khó không ngại khổ, đã vượt xa xôi cách trở trực tiếp đến hiện trường vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai để thị sát tình hình, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm và hỗ trợ người gặp nạn. Tại đây, trước cảnh tang thương của đồng bào, người đứng đầu Chính phủ đã không kìm được cảm xúc và rơi những giọt nước mắt tiếc thương những nạn nhân xấu số, lo lắng cho tương lai sau này của người dân, bởi cách đó ít giờ, thiên tai đã cuốn đi tất cả.
Một vấn đề quan trọng được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm đó là nơi ở mới cho người dân. Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Lào Cai tìm 1 - 2 địa điểm để khảo sát, đánh giá an toàn nhằm khôi phục lại bản mới cho người dân, chậm nhất đến ngày 31/12/2024 phải làm xong.
"Tỉnh phải lo là chính, còn vướng mắc cái gì thì báo cáo Chính phủ. Tinh thần là tất cả người còn sống phải có nơi sinh sống ổn định, có điện nước, cây xanh khu vui chơi, đảm bảo môi trường sống an toàn, không để ai bị đói rét, thiếu nước sạch, thiếu chỗ ở”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước với đồng bào.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát vào vùng lũ tại Bắc Giang. |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng khu nhà tạm cho người dân thôn Làng Nủ đã được tiến hành khẩn trương từ ngày 15/9 và đến 21/9, 25 hộ dân trong thôn bị mất nhà do mưa lũ và các hộ đang trong diện nguy cơ sạt cao đã được sang khu nhà tạm, nhằm đảm bảo an toàn.
Song song với việc hoàn thiện khu nhà tạm, lực lượng chức năng đã cơ bản giải phóng mặt bằng khu tái định cư mới của thôn Làng Nủ. Các phương tiện, máy móc đã được đưa vào để triển khai thi công, xây dựng 40 căn nhà theo truyền thống của đồng bào Tày, đảm bảo hoàn thành và bàn giao toàn bộ dự án trước ngày 31/12/2024.
Bão lũ đi qua nhưng hậu quả để lại còn rất nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn, dẫu biết sự đau thương là khó nguôi ngoai nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận để sống và bước tiếp trong cuộc sống này.
Qua gian nan, mất mát, chúng ta lại thấy được tinh thần đoàn kết, điểm tựa truyền thống lịch sử - văn hóa hào hùng, văn minh, văn hiến của dân tộc, với tinh thần tương thân, tương ái; thương người như thể thương thân; lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều; bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn... được khơi dậy mạnh mẽ, giá trị nghĩa Tổ quốc tình đồng bào lại được nhân lên trong gian khó, hy sinh.
Để người đã ra đi được thanh thản và người còn lại sớm vượt qua nỗi đau thương, nhanh chóng ổn định cuộc sống, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống Nhân dân, đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đặc biệt là đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng ở cơ sở.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, chỗ ở cho những người dân bị mất nhà ở; rà soát, thực hiện việc tái định cư cho các hộ gia đình bị mất nhà ở, bảo đảm hoàn thành sớm nhất có thể, trước ngày 31/12/2024 với điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; khẩn trương đưa học sinh tới trường và đưa các bệnh viện, cơ sở y tế vào hoạt động.
Đặc biệt là việc rà soát, có biện pháp hỗ trợ phù hợp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm việc làm, sinh kế của người dân trong tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, sử dụng dự trữ quốc gia, dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão lũ theo quy định pháp luật.
Cùng với việc sớm ổn định đời sống Nhân dân, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; chỉ có thực hiện tốt nhiệm vụ này mới có thể bảo đảm sự ổn định, bền vững của đời sống, sinh kế của người dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ nói riêng và Nhân dân cả nước nói chung; đồng thời mới tạo ra được nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước.