Cách ly F0, F1 ở nhà, cần chăm sóc, tránh lây nhiễm như thế nào?

TP HCM đã ký văn bản khẩn về việc triển khai cách ly tại nhà với F0 và F1. Đây được đánh giá là giải pháp giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống y tế đang quá tải. Một câu hỏi đặt ra để chăm sóc sức khỏe bản thân và giữ an toàn với cộng đồng thì người mắc virus SARS-CoV-2 phải làm gì?
Thanh Hóa: Thêm 1 ca mắc Covid-19 tại khu cách ly tập trung ở Vĩnh Lộc

Tối 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa ký văn bản khẩn gửi các địa phương về việc triển khai cách ly tại nhà với F0 và F1.

Đối tượng áp dụng là bệnh nhân không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày 14 và 21.

Nhóm đối tượng thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan y tế theo dõi hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định. Các F0 này phải đảm bảo được giám sát của cơ quan y tế địa phương và nơi làm việc; tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

Cách ly F0, F1 ở nhà, cần chăm sóc, tránh lây nhiễm như thế nào?
Ảnh minh họa

Các chuyên gia y tế đưa ra nhiều khuyến nghị cho F0, F1 cách ly tại nhà, trong đó phải đảm bảo 3 điểm chính: Giảm tối đa lây nhiễm thêm cho người xung quanh; Tự chăm sóc cho mình để hồi phục; Quan sát triệu chứng bệnh để biết cần đi cấp cứu khi nào.

Phương án này được nhiều chuyên gia y tế đánh giá là giải pháp phù hợp với tình hình hiện tại của TP HCM. Để phương án này hiệu quả và an toàn đối với cộng đồng, người mắc virus SARS-CoV-2 cũng cần thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm trong việc tự điều trị ở nhà.

Giảm thiểu tối đa lây nhiễm

Theo TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím, F0, F1 cách ly tại nhà nếu có thể sắp xếp thì hãy ở trong một căn phòng riêng trong thời gian tự điều trị để cách ly với những người trong nhà (chưa bị nhiễm) và vật nuôi trong nhà (vì chúng có thể là trở thành vật mang virus). Nếu có thể, bạn nên sử dụng phòng tắm riêng. Nếu bạn cần tiếp xúc với người nhà hoặc vật nuôi thì hãy rửa tay trước đó và đeo khẩu trang.

Ngoài ra, người mắc virus SARS-CoV-2 nên hạn chế tối đa ra khỏi phòng, khỏi nhà. Khi ho hoặc hỉ mũi nên sử dụng khăn giấy để hạn chế dịch phát tán ra môi trường, sau đó bỏ vào thùng rác có lót nilon, thùng rác nên có nắp đậy. Ngoài ra, nên rửa tay thường xuyên với xà bông và nước trong ít nhất 20 giây hoặc làm sạch tay bằng dung dịch sát trùng tay chứa cồn với nồng độ cồn tối thiểu 60%. Nếu được thì trong thời gian điều trị tại nhà, nên sử dụng chén dĩa, đũa muỗng loại dùng 1 lần rồi bỏ. Các bề mặt người bệnh thường xuyên chạm vào, như kệ bếp, mặt bàn và tay nắm cửa phải vệ sinh bằng dung dịch tẩy trùng hoặc cồn (>60%).

Theo BS Trương Hữu Khanh, với những người F0 cách ly tại nhà, nên giữ khoảng cách 2m, đeo khẩu trang đúng và tấm che giọt bắn. Nếu trong nhà có người nguy cơ bệnh sẽ nặng thì chuyển người này đi nơi khác hay không nên cách ly tại nhà. Người nhà khi tiếp tế cho F0 phải giữ khoảng cách và cả 2 cùng mang khẩu trang và tấm che giọt bắn. Phòng cách ly càng thông thoáng càng tốt. Nếu không thì có thể kiếm đèn UV mà dùng (có hệ thống vừa mở mà không hại đến người)

Chăm sóc sức khỏe để hồi phục

TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết: bệnh Covid-19 là do virus SARS-CoV-2 gây ra, cũng như hầu hết các loại bệnh do các virus khác gây ra thì việc điều trị chủ yếu là “điều trị hỗ trợ”. Nói cách khác, bạn cố gắng “làm dịu”, “làm nhẹ” các triệu chứng khó chịu, để cơ thể của bạn có thời gian củng cố hệ miễn dịch mà chiến đấu với virus. Hầu hết các trường hợp tự điều trị Covid-19 sẽ bắt đầu hồi phục và khỏe lại sau 2 tuần.

Cách điều trị ở nhà chủ yếu là “nghỉ ngơi” và “cung cấp đủ nước cho cơ thể”. F0 cách ly tại nhà có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường “nếu cần” như bị sốt cao (trên 39 độ C). Ví dụ như thuốc có chứa acetaminophen, xem kỹ liều lượng sử dụng, không nên sử dụng quá 3.000 milligrams trong 1 ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh nên bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể bằng trái cây tươi (cam, chanh, rau tươi, v.v…). Nếu khó ăn, khó tiêu thì có thể ăn cháo và chia ra làm nhiều bữa ăn (mỗi lần ăn 1 ít); Bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng mỗi ngày 5-10 phút, uống sữa, ăn trứng, v.v… Tiến sĩ cũng lưu ý là phương pháp xông hơi có thể làm dịu đau họng và mở đường hô hấp, giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.

Còn BS Trương Hữu Khanh đưa ra một lưu ý quan trọng là phải F0 phải ăn sạch, uống sạch để không bị nhiễm thêm các tác nhân gây bệnh khác. Bên cạnh đó, F0 ở tại nhà cần uống đủ nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, sinh hoạt điều độ , cố gắng vận động dù không gian hẹp.

Theo dõi triệu chứng cần đi cấp cứu

Thường trong thời gian 2 tuần kể từ ngày nhiễm virus, những người bị COVID-19 có các triệu chứng từ nhẹ đến bệnh nặng. Những người có triệu chứng nhẹ thì có khả năng tự chăm sóc và phục hồi còn những người có những triệu chứng nặng thì cần sự hỗ trợ của dịch vụ y tế chuyên nghiệp.

TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết, các triệu chứng cảnh báo nguy hiểm và cần đi cấp cứu đó là: Cảm thấy rất khó thở; Đau dai dẳng hoặc cảm giác có áp lực trong lồng ngực; Không thể tỉnh táo; Da, môi hoặc móng tay màu nhợt nhạt, mất sức sống.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham vấn sức khỏe ngành y tế khi có bất cứ lo lắng gì.

D.Minh
Phiên bản di động