Bốn phương pháp "học nhanh, nhớ lâu" giúp sĩ tử hết sợ thi cử
Hình dung và tưởng tượng
Việc vẽ, tô màu, dùng những màu sắc sống động và sự hình dung, về cơ bản đều bắt nguồn từ trí tưởng tượng của chúng ta.
Kết nối những khái niệm trừu tượng với hình ảnh cụ thể là một cách hữu hiệu để giúp bộ não hiểu tốt hơn.
Đừng ngại vẽ hàng đống tranh và sơ đồ màu mè nếu chúng giúp bạn hiểu được những khái niệm trừu tượng và nhạt nhẽo.
Phương pháp này không chỉ hữu ích cho quá trình học, hiểu rõ sự tương quan giữa các khái niệm, mà còn giúp kích thích não bộ và duy trì hứng thú học tập cho bạn.
Đừng ngại biến bài học thành bức tranh màu mè nhưng dễ nhớ
So sánh và liên tưởng
Bộ não ghi nhớ tốt hơn nếu bạn so sánh một khái niệm này với một khái niệm khác. Đây là lúc mà khả năng liên tưởng phát huy tác dụng giúp bạn hiểu và nhớ lâu.
Dùng một khái niệm này để minh họa cho một khái niệm khác giúp bạn nhận thức mối tương quan giữa chúng.
Do đó bạn cần nắm được bản chất của những khái niệm quan trọng để giải thích những khái niệm trừu tượng khác.
Chẳng hạn như bạn có thể so sánh sóng vô tuyến điện với sóng gợn trên mặt nước; dòng điện với dòng nước chảy trong đường ống,… liên tưởng những khái niệm mới với những thứ mà chúng ta quen thuộc sẽ giúp bạn đơn giản hóa những thứ phức tạp và nhớ lâu hơn.
Liên hệ (Phương pháp Loci)
Nếu bạn từng gặp ai đó có thể nhớ thứ tự ngẫu nhiên của cả một bộ bài, thì đó không phải vì họ thông minh hơn người khác đâu. Mà là vì họ đã dùng phương pháp liên hệ để ghi nhớ.
Hãy tự kể câu chuyện mà trong đó có tất cả kiến thức bạn cần ghi nhớ
Phương pháp liên hệ đòi hỏi bạn dùng trí tưởng tượng của chính mình, dựng lên một ‘câu chuyện’ và liên hệ từng thứ với nhau tạo thành một mạch truyện.
Nếu bạn muốn nhớ một dãy những đồ cần mua (như là cam, sữa, chuối, mật ong), bạn có thể tưởng tượng ra một người đàn ông mặc đồ màu cam (cam) mang một con bò (sữa) đến cho một con khỉ (chuối) từng bị ong đốt (mật ong).
Cái hay của phương pháp này là bạn có thể ghi nhớ bất kỳ thứ gì, từ một danh sách dài ngoằng, đến những khái niệm vô cùng trừu tượng.
Câu chuyện bạn tưởng tượng ra càng ly kỳ thì sẽ càng nhớ lâu.
Phương pháp "trẻ-5-tuổi"
Đây là một phương pháp tuyệt vời để kiểm tra bạn hiểu được các kiến thức mới học đến đâu.
Hãy tưởng tượng bạn phải giải thích một khái niệm mới cho một đứa trẻ 5 tuổi, hay một người chưa biết chút gì về cái mà bạn sắp nói tới. Bạn sẽ phải đơn giản hóa những kiến thức đã học và tìm kiếm những cách giải thích thay thế để đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể hiểu được.
Mỗi khi tiếp thu một kiến thức mới, hãy tự hỏi xem bạn có thể giải thích lại điều đó cho người khác không. Nếu bạn làm được, tức là bạn đã làm chủ kiến thức. Vậy hãy thử tự mình giải thích lại theo cách đơn giản nhất và dễ hiểu nhất.
Nhiều khi chúng ta học không vào là vì không biết bản thân đã hiểu toàn bộ những khái niệm liên quan hay chưa. Phương pháp này sẽ dẹp tan nỗi lo ấy.