Bộ Y tế yêu cầu dừng việc xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán lợn
Ngày 21/3, Bộ Y tế vừa có văn bản khẩn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phòng bệnh và chẩn đoán, điều trị bệnh sán dây lợn.
Cụ thể, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu xét nghiệm Elisa để chẩn đoán sán dây lợn.
Hiện nay, kỹ thuật Elisa được xem có độ nhạy cao trong chẩn đoán các bệnh ký sinh trùng đường ruột.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, xét nghiệm Elisa dương tính (+) không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn. Đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác.
Đối với những trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa dương tính (+) không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh thì sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm Elisa âm tính (-) thì không cần phải xét nghiệm lại.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các ban an toàn thực phẩm địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, đặc biệt là đơn vị cung cấp nguyên liệu cho các trường học và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Trước đó, Cục trưởng Cục ATTP cũng khẳng định, việc điều trị cho các trường hợp nhiễm sán lợn rất đơn giản, không hề tốn kém. Đối với các trường hợp nhiễm sán trưởng thành thì chỉ cần dùng thuốc tẩy giun sán một lần. Còn nếu nhiễm ấu trùng sán thì thời gian điều trị sẽ lâu hơn, kéo dài hơn. Người dân cũng không nên quá lo lắng.
“Kết quả dương tính chưa nói nên điều gì. Chỉ đến khi có biểu hiện bệnh mới cần điều trị. Việc điều trị không khó, có thể khỏi hoàn toàn. Nếu nhiễm sán trưởng thành thì chỉ cần một liều duy nhất. Còn nếu là ấu trùng thì sẽ lâu hơn nhưng không có gì đáng ngại. Ở nước ta, tỉ lệ mắc các bệnh về giun sán cũng ở mức trung bình so với nhiều quốc gia trong khu vực có cùng điều kiện khí hậu. Về cơ bản, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân trong việc ăn chín, uống sôi, rửa tay sau khi đi vệ sinh để phòng bệnh” - ông Phong bày tỏ quan điểm.
Đối với những trường hợp chưa đi xét nghiệm, Cục trưởng Cục ATTP khuyến cáo, không nhất thiết phải đưa các cháu đi xét nghiệm. Vì chỉ khi có biểu hiện bệnh mới cần điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.