Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm phòng sởi

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện tiêm chủng vắcxin vì đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi.
bo y te khuyen cao nguoi dan tiem phong soi

Khuyến cáo phòng bệnh?

Ngày 16/1, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã ban hành văn bản, kêu gọi người dân bao gồm cả trẻ em lẫn người lớn tuổi chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cần đến ngay cơ sở y tế để tiêm phòng.Văn bản ghi rõ, hiện đang trong mùa đông xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch, cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin còn chưa cao tại khu vực có mật độ dân cư cao, thường xuyên biến động dân cư, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống khó tiếp cận dịch vụ y tế.Người dân cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắcxin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi; đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắcxin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắcxin sởi cần được tiêm vắcxin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ.Sử dụng vắc xin sởi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Miễn dịch có được sau mắc bệnh hoặc sau tiêm vắc xin bền vững; thực tế nếu tiêm sởi mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt từ 80-85%, nếu trẻ tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt từ 90-95%, vì vậy vẫn có khoảng 5-15% số trẻ đã tiêm vắc xin sởi nhưng không có đáp ứng miễn dịch và có thể mắc bệnh khi bị nhiễm vi rút sởi.

Sự nguy hiểm của bệnh sởi?

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao, trẻ chưa có miễn dịch với vi rút sởi mà tiếp xúc với nguồn lây thì khả năng mắc bệnh là rất lớn. Tất cả trẻ bị nhiễm vi rút sởi đều có biểu hiện lâm sàng điển hình. Sau khi mắc sởi gây suy giảm miễn dịch do đó các trẻ em rất dễ bị biến chứng do mắc các bệnh nhiễm trùng khác. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, trong giai đoạn 2000-2012, nhờ có vắc xin đã cứu sống cho 13,8 triệu trẻ em trên thế giới. Tuy nhiên, Sởi vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Người dân cần phải chủ động thực hiện tiêm chủng tại các trung tâm Y tế (Ảnh VNVC)

Người dân cần phải chủ động thực hiện tiêm chủng tại các trung tâm Y tế (Ảnh VNVC)

Dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4 - 5 năm/lần, hiện đang nằm trong chu kỳ dịch, vì vậy, dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi, việc điều trị chủ yếu để phòng bội nhiễm và điều trị các biến chứng nặng do sởi gây ra. Bệnh sởi là bệnh rất dễ lây và thường có các biến chứng do đó khi phát hiện trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị, chăm sóc và cách ly để hạn chế các biện chứng nặng của sởi và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.

Thùy Linh
Phiên bản di động