Bộ Y tế: Không thể so sánh giường bệnh dịch vụ 4 triệu đắt hơn phòng khách sạn hạng sang

Với mức giá cao nhất có thể lên tới 4 triệu/giường dịch vụ/ngày ở bệnh viện công, nhiều ý kiến cho rằng giá giường bệnh đắt hơn cả khách sạn hạng sang. Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) lên tiếng lý giải vấn đề này.
Bệnh viện công sẽ có giường dịch vụ giá 4 triệu một ngày Chiếc giường "đắt nhất" thế giới là giường bệnh

Vì sao giá giường bệnh dịch vụ đắt hơn phòng khách sạn hạng sang?

Chiều 12/8, ông Nguyễn Nam Liên một lần nữa khẳng định, Thông tư Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập Bộ Y tế đưa ra các hướng dẫn xây dựng mức giá, không phải ban hành mức giá. Đây là giá "khung" các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung này.

Trước câu hỏi giá giường dịch vụ trong bệnh viện công có thể lên đến 4 triệu/ngày có quá đắt vì hơn giá khách sạn hạng sang, ông Liên cho biết, có rất nhiều mức giá giường dịch vụ được xây dựng, từ 300 nghìn, 1,2 triệu, đến 4 triệu để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau.

Bộ Y tế: Không thể so sánh giường bệnh dịch vụ 4 triệu đắt hơn phòng khách sạn hạng sang
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) lý giải vì sao mức giá giường dịch vụ tại bệnh viện công có thể thu lên 4 triệu đồng.

"Với giường bệnh một mình một phòng, rồi có thêm giường nằm cho người nhà, có khu vực tiếp khách... không khác gì một phòng khách sạn hạng sang. Phòng khách sạn người ta chỉ về để nghỉ ngơi, ngủ rồi lại đi chơi, đi họp. Nhưng phòng bệnh rất đặc biệt, đó là có sự chăm sóc y tế 24/24. Chưa kể, có những gia đình sẽ có nhu cầu điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân toàn bộ từ ăn uống theo chế độ bệnh lý, tắm giặt, người nhà chỉ vào thăm nom mà không cần hỗ trợ chăm sóc nên giá giường phải khác và bệnh viện nên đáp ứng", ông Nam Liên nói.

Theo ông Nam Liên, ngay tại Việt Nam có nhiều bệnh viện tư với giá phòng từ vài ba triệu đến cả chục triệu/phòng. Bệnh nhân tuy nằm điều trị tại các viện này, nhưng khi khám, thực hiện dịch vụ kỹ thuật, phẫu thuật vẫn mời các giáo sư, chuyên gia của bệnh viện công đến. "Vậy tại sao ta không có cơ chế cho bệnh viện công thực hiện dịch vụ ngay tại bệnh viện?", ông Nam Liên đặt câu hỏi.

Giường 4 triệu chỉ áp dụng ở một số bệnh viện

Ông Nam Liên cho biết, loại giường dịch vụ lên đến 4 triệu/ngày đặc biệt chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện tổ chức, không áp dụng đại trà. Theo đó, trong phòng vừa phải có giường bệnh, có giường cho người nhà, có khu vực tiếp khách.

Bộ Y tế: Không thể so sánh giường bệnh dịch vụ 4 triệu đắt hơn phòng khách sạn hạng sang
Ông Nam Liên cho rằng, phòng bệnh riêng có thêm giường cho người nhà, có khu vực tiếp khách, điều dưỡng chăm sóc y tế 24/24 giờ mức giá đương nhiên sẽ cao.

Bộ Y tế cũng nêu rõ, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I.. giường điều trị nội khoa….

Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sĩ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường….

Mặt khác, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.

Bộ Y tế cũng quy định rõ, chỉ những bệnh viện đủ điều kiện mới được xây dựng giá giường dịch vụ. Theo đó, Bệnh viện công chỉ được phép sử dụng cơ sở vật chất nhà nước đầu tư cho khám dịch vụ khi hoàn thành nhiệm vụ nhà nước giao về khám chữa bệnh cho nhân dân, không còn tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Bên cạnh đó, bệnh viện cần công khai minh bạch danh mục dịch vụ, theo đó, phải công khai giá giường, các mức giá phòng dịch vụ, số lượng phòng dịch vụ còn trống để người bệnh có nhiều lựa chọn khác nhau.

Không tận thu để tăng thu nhập

Đặc biệt, ông Nam Liên khẳng định, tất cả các bệnh viện dù chỉ dành vài trăm m2 cho khu vực dịch vụ vẫn phải làm đề án. "Theo đó, tài sản nhà nước đã đầu tư phải tính khấu hao, hoàn trả lại đơn vị để tái đầu tư các hoạt động khác. Tuyệt đối không có chuyện nhập nhèm, tận thu lấy dịch vụ để tăng thu nhập", ông Nam Liên nói.

Ngoài ra, theo Thông tư này, đơn vị y tế công lập có thể thuê cơ sở xung quanh mở rộng dịch vụ.

Theo ông Nam Liên, hiện nay có rất nhiều người Việt đi khám chữa bệnh nước ngoài. Nếu xây dựng được cơ chế tốt, người dân không còn phải ra nước ngoài khám bệnh sẽ vừa giảm được chi phí cho bệnh nhân, mang lại nguồn thu cho bệnh viện trong nước.

Đặc biệt, có nhiều chuyên gia, bác sĩ Việt Nam được mời đi Thái Lan, đi Singapore phẫu thuật. Trong khi đó, có cơ chế tốt, bệnh nhân sẽ được chính các chuyên gia này khám chữa trong nước, tiết kiệm được rất nhiều chi phí đi lại, sinh hoạt.

Bên cạnh đó còn thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam, góp phần phát triển mô hình du lịch gắn y tế, chữa bệnh ở nước ta.

Theo Dân trí
Phiên bản di động