Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Bộ trưởng Công an: 'Mỗi bánh ma tuý vào Việt Nam sẽ khiến 10 gia đình vướng tù tội' Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đăng đàn đầu tiên trả lời chất vấn |
Chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa qua, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết cử tri và dư luận cho rằng việc bắt các vụ án ma túy lớn vừa qua là chiến công của Bộ Công an. Tuy nhiên, cử tri và dư luận cũng đặt vấn đề phải nói đến trách nhiệm của các lực lượng tại chỗ đã để các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy thâm nhập đóng hàng tại địa phương đó.
"Ngành công an xử lý như thế nào đối với lực lượng công an đóng trên địa bàn đó? Mặt khác, có ý kiến cho rằng có sự bảo kê của một số cán bộ công an thoái hóa, biến chất? Quan điểm giải quyết của Bộ Công an như thế nào?"- đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về bảo kê tội phạm |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định việc cán bộ công an cộng tác với tội phạm thì dứt khoát phải xử lý nghiêm, không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào
Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho rằng đảm bảo trật tự an toàn xã hội là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của lực lượng công an là nòng cốt, chịu trách nhiệm chính. "Với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thủ trưởng công an của các đơn vị phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó".
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, vừa qua Bộ Công an đã xử lý về vấn đề này trên địa bàn cấp tỉnh. "Ví dụ như giám đốc công an tỉnh, thành để tình hình trật tự an ninh trật tự chúng tôi cũng đặt vấn đề về trách nhiệm. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi sẽ có biện pháp về công tác cán bộ. Các cấp công an quận, huyện, phường, xã cũng phân cấp xử lý như vậy" - ông nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định việc cán bộ công an cộng tác với tội phạm thì dứt khoát phải xử lý nghiêm, không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào |
Về hành động bảo kê tội phạm, Đại tướng Tô Lâm cho rằng tội phạm có những diễn biến rất phức tạp đối với lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an.
"Chúng không từ thủ đoạn nào để tấn công vô hiệu hoá lực lượng công an, từ làm quen rồi có mối quan hệ, đến dụ dỗ, mua chuộc. Nếu không được thì dùng vũ lực để tấn công, đe dọa lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an và gia đình họ. Không được nữa thì chúng xuyên tạc, vu khống, nói xấu, hạ uy tín…" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
Và trong quá trình đó, có những cán bộ, chiến sĩ không chịu đựng được và dẫn đến mất phẩm chất, có những hành động quan hệ với các loại tội phạm, thậm chí làm ngơ để tội phạm hoạt động, hoặc thậm chí là bảo kê cho tội phạm bằng cách tạo điều kiện hoặc hợp tác với các đối tượng tội phạm.
"Chủ trương của Đảng, nhà nước và ngành công an là kiên quyết loại bỏ những cán bộ vi phạm như vậy khi anh không chịu được áp lực đó, bị tội phạm lội kéo, tấn công, mua chuộc. Chúng tôi xử lý rất nghiêm các trường hợp cán bộ bảo kê cho tội phạm, từ xử lý hành chính đến hình sự"- Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Người đứng đầu ngành công an cũng nhấn mạnh rằng việc cán bộ công an cộng tác với tội phạm thì dứt khoát phải xử lý. "Vừa qua chúng tôi xử lý rất nghiêm, rất kiên quyết và không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào nếu có hoạt động bảo kê cho tội phạm, để khôi phục lòng tin của cán bộ, của nhân dân đối với lực lượng công an".
Sau khi Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bấm nút tranh luận và đề nghị bộ trưởng Công an nói rõ hơn, cụ thể hơn việc thời gian qua đã xử lý lãnh đạo công an từ cấp tỉnh đến cấp xã để xảy ra tình trạng ma túy thẩm lậu tại địa bàn.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết vừa qua Bộ Công an đã thay đổi, kỷ luật một số giám đốc công an địa phương để xảy ra tình hình tội phạm.