Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự Đại hội đồng LHQ về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân
Ngày 23/9, tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, Bộ trưởng Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã dự phiên họp toàn thể của Cuộc họp Đại hội đồng LHQ về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC).
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu, trong đó nêu rõ UHC đảm bảo cho mọi người được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng khi cần thiết. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để đảm bảo mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế đã được thiết lập từ cấp trung ương đến cấp xã với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình. Chương trình bảo hiểm y tế hiện đạt 90% dân số tham gia bảo hiểm và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương và trợ cấp 70% cho người nghèo..
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế VIệt Nam cho biết, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải cách y tế nhằm tăng cường hiệu quả hệ thống chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang gặp một số khó khăn về cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế, các nguồn lực vẫn tập trung vào các dịch vụ chữa bệnh trong khi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng bệnh còn hạn chế….
Việt Nam phấn đấu để mọi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế
Các đại biểu từ Diễn đàn kinh thế thế giới và Đại học Harvard đồng tổ chức một cuộc họp về đầu tư và kết hợp công tư trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2030, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham dự.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng về sức khỏe cho người dân. Việt Nam hoàn thành gần như tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang trên con đường tiến tới đạt Các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đầu tư vào sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế xã hội đáng kể, đưa Việt Nam lên thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Bộ trưởng Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến có bài phát biểu tại cuộc làm việc nhóm với các đại biểu Diễn đàn kinh thế thế giới và Đại học Harvard
Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việt Nam cam kết đạt Bao phủ Y tế Toàn dân vào năm 2030. Việt Nam đang trên đà đạt được mục tiêu này, với tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm Y tế toàn dân đạt 87,7% vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, các vấn đề như đảm bảo tiếp cận y tế công bằng, bình đẳng, sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh việc các bệnh không lây nhiễm tiếp tục gia tăng và nguy cơ các bệnh truyền nhiễm mới nổi vẫn là những thách thức đối với Việt Nam, Bộ trưởng Y tế nói.
Để đạt được hệ thống y tế công bằng mà mọi người dân đều có thể tiếp cận được xây dựng trên nền tảng chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh, Việt Nam nhận rõ tầm quan trọng của hợp tác công-tư trong cả việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao, mà còn đảm bảo sản phẩm dịch vụ y tế và thuốc chất lượng cao và đẩy mạnh và duy trì phát triến y tế vì người dân Việt Nam.
Người đứng đầu ngành y tế Việt Nam tin rằng Việt Nam có thể và sẽ trở thành nước đi đầu trong Bao phủ Y tế Toàn dân thông qua việc xây dựng nền tảng vững chắc dựa vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, cả công và tư.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim TIến chụp ảnh lưu niệm với các GS của Trường ĐH Harvard trong cuộc làm việc nhóm về chăm sóc sức khỏe ban đầu do Diễn đàn kinh tế thế giới và Trường ĐH Harvard tổ chức
Việt Nam - quốc gia đi đầu thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Việt Nam đã tham dự một sự kiện bên lề về bệnh lao tại trụ sở LHQ. Đây là Hội nghị về chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, tại trụ sở LHQ, nhằm kiểm điểm và đánh giá lại những cam kết và hành động đã triển khai sau 1 năm sau cuộc hop cấp cao của LHQ vào năm 2018 về chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030!
Tại hội nghị về phối hợp hành động hướng tới cam kết cấp cao về bệnh lao, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu. Theo Bộ trưởng, trong 10 năm qua, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 38%, tuy nhiên gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam vẫn còn .
Bộ trưởng Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị bên lề về bệnh lao.
Hiện Việt Nam đã áp dụng hầu hết các kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay, các phác đồ mới phù hợp cho chữa lao, lao kháng thuốc với cách tiếp cận rất sáng tạo. Chiến lược 2X (Xquang cho sàng lọc và Xpert cho khẳng định chẩn đoán) đã có lộ trình triển khai và kế hoạch chuyển đổi sử dụng toàn bộ kỹ thuật sinh học phân tử như Xpert thay thế cho kính hiển vi sử dụng 138 năm nay đã nằm trong kế hoạch của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, trong thời gian 4 năm, việc phát hiện chủ động bằng Xpert có thể làm giảm bệnh lao đến 46% so với cách làm thường quy hiện nay.
Từ kết quả nghiên cứu, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang -Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.
Kết quả này đã truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao toàn thế giới.Bộ trưởng Y tế Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết trước cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt bệnh lao năm 2030.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Y tế Đan Mạch và Bộ trưởng Y tế Ireland về hợp tác y tế song phương.
Dự kiến từ ngày 25-26/9, Bộ trưởng Y tế sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Đại học Harvard, Mỹ. Hai bên sẽ bàn thảo về các hoạt động hợp tác giữa ĐH Havard và Bộ Y tế Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật về tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu, vấn đề tài chính trong chăm sóc sức khoẻ, những mô hình và kinh nghiệm phát triển chăm sóc sức khoẻ và các vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.