Bộ trưởng Bộ Y tế nêu 2 nghịch lý trong phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam
Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, nắng nóng kèm theo mưa sẽ khiến các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não, viêm não Nhật Bản có nguy cơ gia tăng, Bộ Y tế đã triển khai Hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2019.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại Hội nghị ngày 11/6. Ảnh: Theo Báo QĐND |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nêu ra 2 bất cập trong việc phòng chống dịch bệnh vẫn đang tồn tại.
Thứ nhất, Bộ trưởng cho rằng, chủ động phòng dịch phải đi trước, truyền thông về phòng dịch cũng phải đi trước một bước. Nhưng thực tế ở Việt Nam đang làm ngược khi truyền thông thay vì hướng dẫn người dân làm thế nào đừng mắc bệnh lại chỉ đưa tin khi dịch bệnh đã xảy ra rồi. Trong khi đó, những kiến thức phòng bệnh lại thiếu vắng, khó tìm thấy trên mặt báo.
"Phải chủ động phòng chống dịch chứ không đợi dịch xảy ra mới đi dập. Muốn công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai có hiệu quả thì truyền thông phải đi trước một bước", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Thứ hai, bệnh nặng, bệnh nhẹ người dân cũng chỉ muốn lên tuyến trung ương khiến các bệnh viện quá tải trầm trọng. “Nhiều bệnh nhân đang nghi bị sốt xuất huyết độ 1, độ 2 cũng vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, Nhi Trung ương”, Bộ trưởng Tiến nói.
Việc phải điều trị cả bệnh nhân nặng quá đông lẫn nhẹ dẫn đến tình trạng bác sĩ quá tải, có thể sai sót, chẩn đoán nhầm. Trong khi đó, bệnh nhân chồng lên bệnh nhân ở khoa lây có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo như bài học đau đớn ở dịch sởi năm 2014. Khi đó, cháu bị viêm đường hô hấp vào nằm cạnh cháu bị tay chân miệng lại lây thêm bệnh tay chân miệng, bị tay chân miệng vào bệnh viện thì lại lây viêm màng não…
"Nếu bệnh nhân bị nhẹ thì phải chuyển xuống bệnh viện tuyến quận, huyện thậm chí theo dõi ở nhà, khám trong ngày. Đã có quá nhiều bài học từ các năm trước, bệnh viện đã không có chỗ mà bệnh nhân cứ nằm la liệt không kể bị nặng hay nhẹ. Điều này gây quá tải và đẩy áp lực lớn lên ngành y và chính các bệnh viện", Bộ trưởng Tiến khẳng định.
Để phòng, chống dịch bệnh, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, tiêm chủng là một trong những biện pháp quan trọng nhất để dự phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Nhờ tiêm chủng mà nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được thanh toán, loại trừ hoặc khống chế. Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay.
Các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng như sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván... trước kia là bệnh dịch lưu hành hàng năm thường gây ra những dịch bệnh lớn thường xuyên thì hiện nay đã được khống chế nhờ duy trì tốt tỷ lệ tiêm chủng.
Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh dại và khống chế bệnh rubella...
Bộ trưởng cũng cho biết, ngoài các khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh như khâu quản lý đối tượng tiêm chủng chưa tốt, một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, thì còn một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế, chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Năm 2019, Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống dịch bệnh tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, việc chỉ đạo và quản lý công tác tiêm chủng có nhiều đổi mới.
Chính phủ đã ban hành các Nghị định về hoạt động tiêm chủng, Bộ Y tế ban hành các Thông tư hướng dẫn là những căn cứ pháp lý quan trọng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiêm chủng.
Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia đã được triển khai và góp phần quản lý đối tượng tiêm chủng, các hoạt động phòng chống dịch đã và đang được triển khai một cách đồng bộ, dưới những hình thức đa dạng, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch mùa hè.
Vào mùa hè, dịch bệnh bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, sởi sẽ còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo đối với người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Cụ thể, với dịch sốt xuất huyết, mỗi người dân có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.
Với bệnh tay chân miệng, để phòng bệnh, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh…
Ngoài ra, các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.