Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH: Tăng tuổi nghỉ hưu, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ

Xung quanh nội dung của dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi) đang được xin ý kiến Quốc hội về các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB & XH) Đào Ngọc Dung khẳng định: “ Tăng tuổi hưu, không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế này để làm việc. Chúng ta tính là cho tương lai, cho thế hệ sau”.
4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV Bộ trưởng Bộ TN&MT nói về 2 cán bộ bị tố nhận hối lộ 12 tỷ đồng
bo truong bo ldtbxh tang tuoi nghi huu khong co chuyen nguoi gia tranh chap cho cua nguoi tre
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB & XH Đào Ngọc Dung trả lời báo chí sáng 29/5

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung, Nghị quyết 28 của Trung ương Đảng đặt vấn đề rõ mục tiêu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phải tính đến yếu tố tăng trưởng việc làm đảm bảo sự bền vững, đảm bảo quỹ bảo hiểm trong lâu dài, vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới. Mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có tầm nhìn dài nhưng cần hành động nhằm tiến tới thích ứng được vấn đề già hóa dân số vào 2035.

Hiện Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động bước vào độ tuổi lao động ngày càng giảm. Năm 2000, bình quân lực lượng lao động bước vào độ tuổi lao động là 1,2 triệu người, đến nay giảm xuống còn 400.000/năm.

Hiện nay, dân số đang già hóa khoảng 7% người ở độ tuổi 60 trở lên. Nếu chuyển từ 7% sang 14% như các nước phải mất 100 năm nhưng Việt Nam tối đa chỉ mất 15 năm.

Trong quá trình đó, bình quân tuổi thọ của Việt Nam trên 45, đến nay tuổi thọ bình quân là 76,6. Tuổi sống sau nghỉ hưu của nữ là 79,5 tuổi. Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương hiện nay.

Đối với quỹ bình ổn bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện thời gian đóng bảo hiểm thấp, hưởng cao. Mức hưởng các nước là 30-45%, nhưng Việt Nam thì người hưởng cao nhất là 75%, bình quân là 70%. Như vậy nếu một người đóng BHXH 28 năm thì chúng ta chỉ đủ chính mình hưởng trong 10 năm, còn lại 9,5 năm thì lấy đóng góp của thế hệ sau chia sẻ cho thế hệ hiện tại. Vì vậy để đảm bảo ổn định cân bằng của quỹ BHXH thì tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết.

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu thì rất thiệt cho người lao động ở nhiều ngành nghề vất vả, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong tổng thể nhiều phương án giải quyết nhiều Luật khác như điều chỉnh bảo hiểm, công việc, thị trường lao động chứ không phải chỉ nhằm vào Bộ Luật Lao động và điều chỉnh theo lộ trình chậm.

Đến năm 2028, nếu theo phương án 1 như Chính phủ trình thì đàn ông mới nghỉ hưu ở tuổi 62; đến 2035 thì nữ mới nghỉ hưu ở tuổi 60, nhưng lần nghỉ trong điều kiện lao động bình thường, sức khỏe bình thường.

“Còn với người lao động suy giảm sức khỏe, trong môi trường độc hại và người lao động nặng nhọc thì có quyền được nghỉ hưu sớm hơn. Đi liền với đó, chúng tôi đang thiết kế những chính sách khác, thậm chí có những người nghỉ hưu ở tuổi 50. Hiện chúng tôi đang thiết kế chính sách người lao động được quyền nghỉ hưu, khi đóng đủ bảo hiểm có quyền nghỉ, chưa đủ tuổi có thể nghỉ chờ hưu, hưởng chính sách theo quy định theo quy định hiện hành. Như vậy không có nghĩa quy định cứng người lao động đủ tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm mới được nghỉ hưu”, ông Dung cho biết.

Bộ LĐ,TB &XH đặc biệt quan tâm đến đối tượng là công nhân, người lao động trực tiếp. Hiện nay, Chính phủ đang rà soát toàn bộ những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại để kèm theo Bộ Luật lao động (sửa đổi).

“Riêng về ngành nghề như khai thác than, hầm lò... như nhiều ý kiến đã nêu, thì tôi muốn nhấn mạnh chúng ta đang quy định 24 lĩnh vực có thể nghỉ hưu sớm hơn. Còn những đối tượng, lực lượng lao động trình độ cao, những ngành nghề lao động đặc biệt như: tòa án, kiểm sát, giáo sư, phó giáo sư… chúng ta khuyến khích để họ có thể cống hiến cho đất nước tối đa. Ở đây, cần phân biệt tuổi nghề với tuổi hưu: hưu là quy định đủ điều kiện hưởng chính sách nhà nước, hưởng BHXH; tuổi nghề có nghề làm ngắn, nghề làm dài. Tôi nhấn mạnh sự cần thiết của tăng tuổi nghỉ hưu, nếu đến năm 2035, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng già hóa dân số như Nhật Bản hay một số nước hiện nay”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Dung, việc tính theo phương án 1 là đã cân đối được công việc hiện tại cho giới trẻ, tính được cho người già. Hiện 46% người sau tuổi nghỉ hưu đang đi làm tiếp. Hơn nữa, lực lượng lao động trẻ của nước ta hiện không còn dồi dào. Bởi quan sát ở nhiều khu vực nông thôn, hiện chỉ còn người già và phụ nữ, không còn số thanh niên trẻ ở nông thôn. Ông Dung cho rằng, cần phải nhìn nhận hiện Việt Nam đang không phải là đỉnh cao của dân số vàng, mà đang chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số.

“Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế này để làm việc. Chúng ta tính là tính cho tương lai, cho thế hệ sau. Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Lam Dương
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động